Sáng 9/9, sau buổi họp phụ huynh đầu năm, tại THCS Nam Thành Công, trung bình mỗi học sinh phải nộp chừng 10 khoản phí.
Theo thông báo của trường, 7 khoản thu bắt buộc trong học kỳ 1 gồm: học phí, xây dựng, quỹ Đoàn-Đội, học nghề, quỹ phụ huynh trường chỉ khoảng 230.000 đồng. Ba khoản phí tự nguyện: bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể và quỹ khuyến học là 140.000 đồng. Tổng các khoản thu chưa tới 400.000 đồng nhưng nhiều phụ huynh phải đóng tới 600.000 vì phải gánh thêm khoản “quỹ phụ huynh”.
10h30 sáng, tại buổi họp của lớp khối 7, THCS Nam Thành Công, sau khi trình bày các khoản thu bắt buộc và tự nguyện do trường quy định, giáo viên chủ nhiệm ra ngoài hành lang nói chuyện và dành vị trí cho vị Hội trưởng phụ huynh lớp.
“Quỹ năm ngoái của chúng ta chưa đạt tầm trung bình của trường. Năm nay nên tăng thêm quỹ phụ huynh bởi chúng ta phải có nhiều khoản “tiếp xúc” với thầy cô ngoài kế hoạch”, vị hội trưởng mở màn.
Ở dưới, các phụ huynh râm ran bàn tán. “Năm ngoái đóng vậy mà bảo là chưa đủ thì cũng chịu các vị”, ông già chừng 60 tuổi bức xúc. “Chắc phải nộp tầm 150.000 đấy”, một giọng khác cất lên.
Đứng trên bục giảng, Hội trưởng phụ huynh nhỏ nhẹ: “Lớp ta có nhiều hoạt động hơn các lớp khác. Sau khi tham khảo ý kiến phụ huynh các lớp khác, tôi thấy lớp chúng ta đóng 210.000 để tổng số tiền chẵn 600.000 đồng. Vị nào không nhất trí thì cho ý kiến”.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Đoàn Hoài Vĩnh khẳng định, việc thu quỹ phụ huynh cao như vậy là sai. Sở sẽ chấn chỉnh, nếu sai mục đích sẽ phải trả lại khoản tiền đó cho cha mẹ học sinh. |
“Một năm chi gì cho hết gần 10 triệu đồng tiền quỹ”, một vị đứng cuối lớp thì thầm với người ngồi cạnh. Đến cuối buổi họp, dù không nhất trí nhưng nhiều phụ huynh vẫn nộp khoản tiền vô lý này với lý do “không nộp thì sợ con mình bị bạn bè trêu chọc”.
THCS Nam Thành Công có hơn 1.500 học sinh. Tính riêng khoản thu quỹ phụ huynh trường: 50.000 đồng/năm, tổng số tiền đã là hơn 75 triệu đồng. Nếu trung bình mỗi học sinh đóng 150.000 đồng quỹ phụ huynh lớp, tổng số tiền của hơn 1.500 em là gần 230 triệu đồng.
Buổi họp phụ huynh tại Trường THCS Nam Thành Công.
Trong khi đó, phụ huynh trường Mầm non tư thục chất lượng cao Vietkids (Hà Nội) lại bị sốc với việc học phí tăng thêm 25% (từ 1,2 triệu đồng năm 2006 lên 1,5 triệu đồng).
“Dù ban giám hiệu cam kết không tăng học phí, để giữ mức ổn định nhưng gần ngày khai giảng, gia đình nhận được thông báo tăng học phí lên 1,5 triệu đồng. Việc tăng tùy tiện, không có lộ trình cũng như không hề thông báo trước cho thấy trường thực sự coi thường phụ huynh”, chị Trần Thu Hà, một phụ huynh bức xúc bày tỏ.
Cũng theo chị Hà, Vietkids cho rằng, tăng học phí đồng nghĩa với tăng giá trị của bữa ăn, học phẩm và chương trình học... “Trong khi, trên thực tế, đồ chơi vẫn chưa được bổ sung, đồ hỏng vẫn để nguyên như năm ngoái. Nhiều vị phụ huynh đang mong mỏi giám hiệu Vietkids có câu trả lời rõ ràng về việc tăng học phí”, chị Hà nói.
Tại TPHCM, chủ nhật vừa qua, không ít trường tổ chức họp phụ huynh, thông báo khoản thu đầu năm. Học phí giữ nguyên nhưng tổng số tiền phải nộp vẫn tăng khiến nhiều bậc cha mẹ lại tiếp tục âu lo.
“Nhận thư mời dự họp phụ huynh mà như nhận trát đòi tiền”, chị Lan, tiểu thương chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, thẫn thờ nói. Tổng số tiền vợ chồng chị phải đóng trong ngày họp phụ huynh đầu năm cho 2 đứa con đang học THCS Hoàng Hoa Thám, lên tới 1,3 triệu đồng .
Phụ huynh trường này phải đóng 9 loại phí, được liệt kê chi tiết trong thư mời dự họp, bao gồm: học phí: 135.000 đồng; cở sở vật chất: 30.000 đồng; tiền in đề kiểm tra: 5.000 đồng, ấn phẩm - vệ sinh phí: 15.000 đồng; hoạt động Thể dục Thể thao - Giáo dục thể chất: 5.000 đồng; Bảo hiểm y tế: 90.000 đồng; Bảo hiểm tai nạn: 15.000 đồng; hội phí cha mẹ học sinh: 90.000 đồng. Riêng học phí tăng cường tin học dao động trong khoảng 240.000- 320.000 đồng, tùy từng khối lớp.
Các trường THCS công lập khác trên địa bàn thành phố cũng thu 9-10 khoản phí tương tự. Đặc biệt, tiền bảo hiểm y tế tăng đồng loạt từ 60.000 lên 90.000 đồng ở tất cả các trường.
“Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục muốn tăng học phí cũng phải hỏi ý kiến cha mẹ học sinh. Bảo hiểm y tế học sinh tăng tới 30.000 đồng, chúng tôi quá bất ngờ”, anh Tân, có con học lớp 8 tại trường THCS Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình bức xúc.
Bức xúc của anh Tân được số đông phụ huynh chia sẻ. “Bảo hiểm y tế và phí phụ huynh học sinh đều là tự nguyện, nhưng các trường đều khuyến khích học sinh tham gia 100%. Có phụ huynh nào lại nỡ không đóng cho con”, chị Thanh có con học lớp 6 nói.
Mức phí gây quỹ hội cha mẹ học sinh hiện dao động từ 10.000 đến 30.000 đồng/tháng, tùy thỏa thuận của phụ huynh với các trường. “Với những gia đình thu nhập thấp, nhiều con đi học thì khoản tiền trên cũng đáng kể. Chúng tôi sẽ cố gắng để lo cho con mình bằng bạn bè nhưng Hội cha mẹ học sinh phải sử dụng số tiền đó thiết thực với các cháu hơn nữa”, chị Huyền, phụ huynh trường THCS Phước Bình, quận 9, TPHCM, nêu ý kiến.
Cũng theo chị Huyền, ngoài những khoản thu trên, phụ huynh một số lớp trường Phước Bình còn nộp thêm 100.000 đồng/học sinh để mua ti vi, đầu máy, phục vụ chương trình tiếng Anh tăng cường. “Mọi người nộp thì tôi cũng nộp, vì thấy nói là để tăng chất lượng học tập. Nhưng quả thực tôi cũng không hiểu tại sao phí cơ sở vật chất nộp hàng năm mà mỗi khi trang bị đồ dùng học tập cho các cháu lại phải nộp thêm như thế”, chị Huyền thắc mắc.
Ghi nhận của phóng viên, khoản thu trang bị cơ sở vật chất cho các lớp tăng cường tin học, ngoại ngữ như trên áp dụng ở một số tiểu học, THCS từ năm trước. Một số trường tiểu học còn thu thêm các khoản phí đặc thù khác như: phù hiệu, mã số, quỹ tài năng quận…
Năm nay, nhiều trường áp dụng biện pháp chia nhỏ các khoản phí, phụ huynh có thể đóng dần theo từng tháng, nhằm giảm áp lực tâm lý “quá tải phí” .
Theo Tiến Dũng - Lan Hương
VnExpress