Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Thời gian trôi qua mau...


Việt Sơn tháng 5/2012

Thời gian trôi thật nhanh qua những tấm ảnh, mới ngày nào cu Em còn bé tí, chạy lon ton mà giờ đã cao 1.7m và nặng 70kg rồi. Cu cậu giờ đang được tôi luyện trong lò bát quái để thi vào lớp 10. Chỉ còn gần 1 tháng nữa thôi chạy nước rút nào Nghé non ơi!
--> Read more..

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Cho em và mùa hạ.

Hình như bên kia là mùa thu

Ngàn lá rụng mang theo lời tiễn biệt

Nơi ký ức hóa vầng trăng đẫm ướt

Con dế buồn rủ cỏ hát tình ca

 

Bên kia là năm tháng đi qua

Có gặp lại cũng vô tình ánh mắt

Bông hồng ấy cuối chân trời xa tít tắp

Dấu muộn phiền từng cánh mỏng manh rơi…

 

Bên kia là còn lại mình tôi

Mùa hạ và em xa vời ảo ảnh

Hoa cúc cháy trong nỗi niềm đa cảm

Thuở yêu em trong trắng vô ngần

 

Bên kia là còn lại dòng sông

Cánh buồm anh nửa đời đi không hết

Em xa quá, mùa thu thì chẳng biết

Có một người úp mặt khóc hòang hôn

 

Lẽ nào em không nhớ ? Lẽ nào quên

Giọt nước mắt đã tan thành hòai niệm

Thành muối mặn, thành vô tư sóng biển

Để vơi đầy năm tháng cũng vì nhau

 

Bên kia là còn lại nỗi đau

Khao khát ấy của một thời hoa phượng

Lẽ nào em, lẽ nào tôi hoang tưởng ?

Lá vàng rơi tiếc nuối giữa tay người


Bên kia là day dứt khôn nguôi

Đồng vọng mãi lời chia ly thầm lặng

Phải mùa hạ dâng hết mình cho nắng

Nên mùa thu chớm lạnh đã se lòng ?

 

Thì đừng buồn gió cuốn, mưa giăng

Bong bóng vỡ theo về nguồn cội

Ngắt nhành phù dung ngồi đếm tuổi

Thấy trong hư vô khuôn mặt của mình


Thì ta quay về tìm lại dòng sông

Tìm lại xác thân phiêu bồng một thuở

Để thấp thóang em hiện về đâu đó

Mùa hạ ấy xa như có thật trong đời ./.

Từ Dạ Thảo

--> Read more..

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Bạn của dân!

http://www.baobackan.org.vn/dataimages/201102/original/images417267_IMG_1197.JPG

(hình sưu tầm trên net)

Hôm nay trong lúc chờ đèn đỏ ở lối lên đê Chương Dương vì chờ ở đoạn dưới khuất nên tôi không nhìn thấy đồng hồ đếm thời gian ở cột đèn đỏ. Đến lúc thấy khoảng 6,7 người phóng lên trước, tôi mới dám đi theo. Ai dè một chú công an mặt còn trẻ vẫy tôi lại và yêu cầu dừng xe. Sau khi chào hỏi xong anh ta bảo : Chị đi vượt đèn đỏ, cho xin giấy tờ xe.
Tôi vội vàng thanh minh : Là do tôi thấy mọi người bắt đầu đi thì tôi mới đi theo chứ, sao anh không giữ lại 6,7 người đi đằng trước tôi mà lại giữ tôi lại?
Chú công an giải thích: Chị đi sai rồi, bắt được ai thì người ấy phải chịu. Công an không phải là có ba đầu sáu tay!

Nói rồi anh ta gọi thêm một đồng đội nữa ra. Sau khi kiểm tra họ kết luận tôi quên mang giấy tờ xe, vượt đèn đỏ, xe không có gương... phải giữ xe 3 ngày và nộp phạt theo điều x,y,z gì đó lên tới gần 1 triệu đồng!
Thấy họ làm căng tôi đành xin cho được nới mức phạt vì đó chỉ là do vô ý chứ không cố tình vi phạm luật giao thông. Thế là một cuộc mặc cả diễn ra, cuối cùng thì mức phạt là 150K nhưng biên lai ghi phạt chỉ là 50K!

Trở về nhà an toàn và ghi lại trung thực câu chuyện này tôi chẳng muốn bình luận gì thêm! Thế mà xem trên phim ảnh sao mà ngưỡng mộ các anh công an thế!!!

--> Read more..

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

...Bình thường đến mức phi thường...

Gia đình Tâm vững chãi dưới gốc cây nhãn

Nụ cười hoan hỉ, rạng rỡ của các bạn trẻ trong gia đình Tâm vững chãi.



Đây là cảm nhận của một bạn sinh viên ĐH Ngoại thương cùng tham gia tu tập trong gia đình tâm linh "Tâm vững trãi"  của mình. Chia sẻ cùng cả nhà.


Kỳ nghỉ lễ của Hà Móm

Thế là sau 6 tháng và qua 2 lần bị nhỡ cuối cùng cũng đã thực hiện được 1 điều ấp ủ từ lâu: Dự 1 khóa tu ở chùa. Nói theo chữ của nhà chùa thì thật là “hoan hỷ” : )))).

Lúc đầu bạn HM phân vân giữa 2 hướng: đi Thiền viện Trúc Lâm ở Tây Thiên hoặc Yên Tử thì mát mẻ, trên núi cao nhưng mất hơn 1 tuần còn đi chùa Đình Quán ở ngoại thành Hà Nội thì chỉ mất có 4 ngày, không phải nghỉ làm. Và vì nói chung là bạn Hà vẫn còn tham, sân, si lắm = ))) nên là tham công tiếc việc và quyết định đi Đình Quán : ))).

Những tò mò về Phật giáo bắt nguồn từ việc có rất nhiều người mình ngưỡng mộ, các anh chị lớn đi trước am hiểu và sùng tín Phật giáo. Anh Vương Vũ Thắng FYT K1 (giờ đang là Phó Tổng VC Corp) kể về chuyện anh đến với cửa chùa sau 3 lần phá sản như thế nào và rồi đã gặp người mà bây giờ là vợ anh ở đó ^^. GS Ngô Bảo Châu cũng rất hay nói/viết về Phật. Hẳn phải có 1 cái gì đó khác biệt ở đây. Nhiều hơn là 1 tôn giáo, nơi mà mình nghĩ đơn thuần là cung cấp cho người ta một điểm tựa niềm tin trong mọi trường hợp, nhất là khi niềm tin vào những điều xung quanh và niềm tin vào bản thân đổ vỡ, mọi người hay nói về Phật như là một môn học (mà có sự kết hợp giữa Triết học, Tâm lý học, Văn học, LỊch sử, Toán học…) với những lý thuyết, ứng dụng và phương pháp học tập riêng. Mà học cái mới thì bao giờ chả khiến người ta bị thôi thúc, hấp dẫn :D .

Khóa tu với chủ đề khá “thức thời” : ))) – “Tâm bình thế giới bình” – và được thiết kế cực kỳ khoa học, khoa học gấp mấy lần Thời khóa biểu Ngoại Thương : ))). Chủ yếu là các thiền sinh được dạy về thiền – thiền tọa (thiền ngồi), thiền hành (thiền đi), thiền ăn, thiền lạy, thiền buông thư (thiền nằm), thiền trà… (Riêng có thiền ôm thì không được các sư thầy, sư cô hướng dẫn cụ thể, về nhà tự đọc sách : ))).) Buổi sáng có giờ Pháp thoại 1 tiếng (như kiểu Lecture ấy) trong 1 thiền đường lớn hơn 200 người, buổi chiều có giờ Pháp đàm 2 tiếng (như kiểu Tutor ấy =)))))  tại các Gia đình nhỏ, mỗi Gia đình tầm 20-30 người do 1 sư thầy/sư cô phụ trách để chia sẻ về những điều thầy dạy buổi sáng hay bất cứ điều gì, bất cứ cảm xúc gì mọi người gặp trong khóa tu. Xen kẽ là các hoạt động vui chơi thể thao, tập hát thiền ca, chấp tác (lao động giúp nhà chùa) theo nhiệm vụ từng Gia đình. Bạn Hà ở Gia đình Tâm Vững Chãi làm nhiệm vụ Hành đường (sắp xếp đồ ăn thức uống và đồ rửa bát tại khu vực khất thực) cho cả khóa tu ngày 3 bữa, số lượng thay đổi tùy ngày nhưng dao động vào khoảng 200-300 người. Nói chung thì được đứng cạnh đồ ăn nhiều cũng thích =)))), nhưng thường thì nhà Vững Chãi lấy đồ ăn sau cùng và nghỉ sau cùng vì còn phải dọn dẹp, đến khi các nhà chia tay chia chân chụp ảnh lưu niệm rồi mà Vững Chãi vẫn còn bận đi đổ nước : ))))). Một ngày kết thúc lúc 9 rưỡi và mọi người phải dậy lúc 4 giờ để tụng kinh niệm Phật với các thầy, trong ngày thiền sinh ăn trong yên lặng, tắm trong xếp hàng : ))) và ở tập thể tại một sảnh lớn. Một điều đặc biệt là dù đủ mọi “giai tầng” : ))) nhưng có đến 70% thiền sinh là thanh niên sinh viên, nhất là lứa tuổi 20-25. Khóa tu lần này còn có một may mắn nữa là thiền sinh được chứng kiến nhiều sự kiện sinh hoạt của nhà chùa như Lễ quy y (hiểu nôm na là trở thành Phật tử về nương tựa cửa Phật, thọ trì năm giới – nói ngắn gọn là Không sát sinh, Không trộm cướp, Không tà dâm, Không nói dối, Không dùng chất gây nghiện), Lễ mừng Phật đản (chuỗi các hoạt động mừng ngày Bụt ra đời), Lễ hằng thuận (lễ cưới ở chùa, một điểm đặc biệt của Phật giáo Việt Nam). Có nhiều điều thú vị như một chuyến du lịch văn hóa 4 ngày vậy, như thể bước vào và bước ra cửa chùa là hai thế giới thật khác.

Nhưng quan trọng hơn cả, khi đi học thì người ta sẽ quan tâm nhất bạn học được gì. Phật pháp các thầy cô dạy không phải là thứ dễ để hiểu được ngay, ngay cả khi hiểu rồi cũng không hẳn dễ để tin, ngay cả khi tin rồi cũng không chắc là dễ áp dụng. Các thầy cô dạy nhiều điều nhưng hai điều đọng lại nhiều nhất là Hãy tập nắm giữ hơi thở của mình Hãy trân quý từng phút giây hiện tại. Với phương pháp “Lấy người học làm trung tâm” : )))), không nhằm “nhồi sọ” hay áp đặt điều gì, chỉ đơn giản là các thầy truyền dạy như người trước chia sẻ kinh nghiệm với người sau, rằng có những điều như thế, thầy và những người khác đã áp dụng và đã có hiệu quả như thế nào. Cũng cần nói thêm rằng chủ yếu các buổi giảng pháp do sư thầy trong Tu viện Từ Hiếu ở Huế lên lớp, thuộc pháp môn Làng Mai của sư thầy Thích Nhất Hạnh (có quá nhiều điều để biết khi google về con người này) nên ngoài những điều chung ở Phật còn có những điểm riêng của thầy Thích Nhất Hạnh. Và quả thực trước đây khi đọc vài quyển sách của thầy, thực sự rất khó để cảm, để thấu những lời dạy qua con chữ đó, nhưng được sống, được thở trong môi trường ấy thì thực sự khác biệt.

Một điều tình cờ là trong suốt khóa tu mọi người được học khá nhiều về tình yêu, hôn nhân và gia đình : ))) qua những cách khác nhau: khi được nghe các bạn Phật tử đã quy y chia sẻ về năm giới, khi thầy giảng về từ, bi, hỉ, xả và đặc biệt là trong Lễ hằng thuận vào ngày cuối cùng của khóa tu, một đám cưới xúc động và có ý nghĩa nhất mà mỗi người từng dự. Nghe anh chị đọc lời nhắn gửi cho nhau mà xung quanh mấy trăm người không quen biết đều cảm phục và thành tâm chúc phúc hai anh chị, mọi người còn làm thơ, tặng quà, hát tặng nữa. Và cả người chúc và người được chúc đều hạnh phúc lắm. Riêng nhà Vững Chãi còn có 1 buổi Pháp đàm mà tình cờ làm sao lại xoay quanh chủ đề Ngoại tình. Có 20 người mà có tới hơn 4 người đau khổ ở nhiều vị trí khác nhau: người vợ bị phản bội, người con bị bố lừa dối, người con riêng bị ghẻ lạnh.. Không muốn cung cấp ra các con số thống kê về tỷ lệ ngoại tình dễ khiến các bạn gái lo lắng : ))), chỉ thấy rằng còn nhiều lắm người khổ hơn mình (Thực ra thì mọi người đến với khóa tu chỉ có 1 số nhỏ 10-15% là do có sẵn phiền muộn trong lòng, còn phần lớn là vì mong muốn tu tập, được bạn bè giới thiệu và một phần cũng rất lớn chỉ là vì không có chỗ nào để đi vào dịp nghỉ lễ = )).), và rằng quan trọng không phải chuyện xảy đến mà là cách mình ứng xử với nó như thế nào, và như sư thầy dặn dò anh chị trong lễ cưới: hôn nhân là sự cam kết lâu dài, các con phải hội tụ cả 4 điều – hiểu, thương, tin cậy và kiên nhẫn.

Nhưng thứ “lợi lạc”, tăng trưởng nhiều nhất sau khóa tu là Niềm tin. Không phải niềm tin vào một tôn giáo với những nhân vật, câu chuyện, hệ thống luân lý bất định mà là niềm tin vào những người xung quanh, niềm tin vào những điều tốt đẹp hiện hữu, niềm tin rằng khi bạn trao yêu thương bạn chắc chắn sẽ nhận lại yêu thương. Với 1 người cởi mở bẩm sinh như bạn Hà : ))) thì việc mở lòng với người khác là niềm vui thích và khao khát, nhưng có rất nhiều người khác lại thấy thật khó khăn. Giáo lý thầy dạy chưa biết có phù hợp không, nếp sống trong chùa rồi có thể sẽ bị đảo lộn khi trở lại cuộc sống thường ngày nhưng tình thương của những sư thầy sư cô là điều bình thường đến phi thường, khiến những rào chắn của người ta dù cứng rắn nặng nề mấy cũng có thể hạ xuống được. Suốt hơn 2 tiếng thiền trà tổng kết khóa tu mà mọi người cứ tranh nhau mic chỉ để nói về mọi người đã tìm ra câu trả lời cho các vấn đề của mình như thế nào, mọi người chuyển hóa, thay đổi ra sao, từ các cụ già đến các bác trung niên, các anh chị U30, các bạn thanh niên và cả các em thiếu nhi cấp 2. Những lời hay ý đẹp, những chân, thiện, mỹ nhiều lúc xa xỉ với cuộc sống mưu sinh quá, nhưng thế không có nghĩa là nó không tồn tại. Khi đã tận mắt nhìn thấy, nghe thấy, chạm thấy, cảm thấy, nó không còn là thứ sáo rỗng nữa, và bạn tin. Nhiều khi bạn cần phải tin vào một thứ gì đó nếu không bạn có thể sẽ bị ngã vì bất cứ thứ gì, đặc biệt là khi bạn kết thúc cuộc đời sinh viên và bước vào những trang mới đầy hấp dẫn nhưng cũng đầy rủi ro, cái mà người ta hay gọi là “đời”.  Và tớ cũng đồng tình với Hương lắm Hương ạ, thật củ chuối là đi tu mà cũng gặp người quen : )))).

Thật ra thì bạn Hà tìm đến khóa tu với mục đích khá thực dụng, hy vọng tìm kiếm các công cụ, bài học giúp ích cho cuộc sống thường ngày, nhưng những điều nhận lại nhiều hơn và tuyệt vời hơn kỳ vọng rất nhiều. Và to-do list trước khi tốt nghiệp vào tháng 6 chỉ còn 1 mục nữa thôi, thật là hoan hỷ quá đi :x :x :x .

P/S: cô chưa kịp liên hệ để xin bản quyền của Hà, sorry nhé, thiện tai, thiện tai! :D


--> Read more..

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Niềm vui nhân đôi, nỗi buồn sẻ nửa ???

Tôi vừa tham gia khoá tu thiền 4 ngày “TÂM BÌNH, THẾ GIỚI BÌNH” tại chùa Đình Quán, Từ Liêm, Hà Nội trong 4 ngày nghỉ lễ.

  Kết thúc khoá tu, cảm xúc đong đầy, muốn nói rất nhiều nhưng tôi chỉ viết ra một trong những điều tôi được vỡ ra đây để cả nhà cùng chia sẻ.

  Trước kia, khi lên Chùa tôi chỉ nghĩ đơn giản là thành tâm cầu Phật mong được sức khoẻ, bình an, may mắn cho gia đình và bản thân mà không  biết rằng Đức Phật là một đức thế tôn anh minh, là một nhà tư tưởng chứ không phải là một vị thần. Người chỉ đưa đường, chỉ lối cho chúng sinh thoát khỏi cõi mê, nhận diện được khổ đau trong cuộc đời và chỉ ra con đường sáng để chuyển hoá những niềm đau nỗi khổ đó chứ Ngài không thể ban phép thần giúp ta đạt được những điều ước muốn nếu ta chỉ cầu xin mà không chịu tự thân vận động, tu tập để tự chuyển hoá mình.

  Để sống được an vui trong hiện tại ta phải biết cách tu tập, chế ngự được những tật xấu tham sân si, nuôi dưỡng những hạt giống tốt từ bi, tha thứ, thương yêu, thấu hiểu và cảm thông... như thế ta sẽ chuyển hoá được những đau khổ của ta trong quá khứ, tìm được niềm an vui trong hiện tại và đặt những viên gạch vững chắc cho tương lai tốt lành. Và để làm được như thế đòi hỏi phải thật nhiều tập luyện và cố gắng.

  Tôi lại ngỡ ngàng lần nữa khi được nghe Thầy giảng ở giờ Pháp đàm rằng : Người ta vẫn nói sự chia sẻ làm niềm vui nhân đôi, nỗi buồn sẻ nửa. Nhưng điều đó là không đúng???

  Thượng toạ giải thích rằng cảm xúc có sự lan toả kể cả cảm xúc xấu và tốt. Cũng như một bệnh dịch vậy, khi ta muốn dập tắt được nó thì phải khoanh vùng chữa trị thì mới chữa được chứ để nó lan toả ra rồi thì chữa thực khó. Nỗi đau khổ cũng vậy, khi ta chia sẻ ta sẽ gây tiếp sự khó chịu, đau khổ khác cho người nghe, chưa kể nếu người nghe không thông cảm, kích động hoặc đổ thêm dầu vào lửa thì ngọn lửa tai hoạ sẽ khó mà dập tắt. Như thế rõ ràng là không có nỗi buồn sẻ nửa được rồi.

  Vậy chả nhẽ ta lại ôm nỗi đau khổ một mình mà không giải thoát được? Có nhu cầu chia sẻ nhưng phải sẻ chia được với những người thấu hiểu và cảm thông, những chuyên gia tâm lý giỏi và phải tu tập để chế ngự và vượt lên được những cảm xúc ấy thì lúc ấy nỗi buồn sẽ sẻ hết chứ không phải là chỉ sẻ một nửa đâu!

  Những ngày học tập tại chùa Đình Quán, tôi đã trải nghiệm qua thật nhiều cảm xúc.

  Từ sự hân hoan khi vỡ ra và tiếp nhận được với những Pháp diệu của đạo Phật đến lòng thương yêu và thân ái của các bạn cùng khoá tu. Từ sự trắc ẩn và cảm thông đối với những người bạn có hoàn cảnh đáng thương đến những giọt mồ hôi nhễ nhãi trong những buổi cùng chung tay làm việc trong khoá lễ, từ những tràng cười chảy nước mắt trong đêm văn nghệ cho đến những niềm an vui tìm được trong những buổi tập thiền...

  Vài lời mộc mạc và lộn xộn, chúc các bạn cũng sớm tìm được những niềm an vui trong lành trong cuộc đời này nhé!

 

Nam mô a di đà Phật!

--> Read more..

Bước chân ai vừa ngang qua..

Flag Counter