Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009
Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009
25 năm hội Khoa
25 năm gặp lại ...những gương mặt thân quen, những nụ cười rạng rỡ, những cái bắt tay thật chặt, những câu chuyện vui hơn Tết! Thời gian không xoá nhoà được những kỷ niệm thật đẹp thời sinh viên. Hai đứa đã lên chức bà ngoại, hầu hết đều vững vàng, thành đạt với nghề. Bọn "mất dạy" cũng lác đác vài người, mỗi đứa một số phận, có buồn, có vui!
Chia tay bạn ra về lòng còn lưu luyến mãi, năm sau gặp lại chắc các bà lão, ông lão tuy có móm mém hơn nhưng niềm vui, tình bạn thì vẫn sẽ mãi đong đầy.
"Thời gian trôi qua mau chỉ còn lại những kỷ niệm..."
Thứ Ba, 8 tháng 12, 2009
Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2009
TRẢ VAY
Vay gió rồi lại trả thừa bão giông
Cuộc đời sắc sắc không không
Nợ nần, vay trả chẳng thông tẹo nào
Hỏi rằng vì cớ làm sao?
Lâu lắm rồi cóc nhái đi vắng, thả vài chú thơ "ếch" lên đây cho nhà đỡ vắng. Chúc cả nhà chủ nhật vui vẻ!
Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009
ĐÔI BẠN
Đôi bạn hoa
Vũ điệu của gỗ
Đối ẩm nào!
Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009
Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2009
Nón trắng!
Thấy bức ảnh hay từ Blog Ruchung - Plus 360 xin copy lên đây để các bạn xem cùng:
Em gái xinh tươi áo trắng tuyền
Nón không để đội giữ làm duyên
Ngày xưa chị cũng mơ mộng thế
Giờ thấy đời sao lắm truân chuyên !
Bức ảnh gợi ra rất nhiều tên gọi, mình tạm gọi bức ảnh này là Nón trắng vậy. Các bạn góp thêm ý kiến nhé . Cám ơn nhiều.
Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009
Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009
Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009
Chúc mừng các thầy cô nhân ngày 20/11
Thật tiếc là học Sư phạm nhưng mình lại không theo được nghề Sư phạm. Nhân ngày Hiến chương các Nhà giáo lại bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm xưa.
Cách đây 26 năm, khi còn là những cô cậu sinh viên Sư phạm năm thứ 3 , khoa tổ chức đi kiến tập ở một trường Cấp 3 tại thị xã Hưng Yên. Đó là những ngày xuân tháng 3, mùa xuân thật đẹp và phới phới dưới con mắt của lũ sinh viên bọn mình. Thầy cô giáo thực tập chỉ hơn học sinh 3-5 tuổi, thế mà các em vô cùng yêu mến vì các thầy cô lúc đó cũng vô cùng nhiệt tình! Mình còn nhớ lúc về nhà, các em còn lặn lội lên tận Hà Nội thăm các cô. Nhiều em không lên được còn viết thư rồi lưu luyến tái bút :
Cô ơi mực cạn đèn mờ
Em xin dừng bút cô chờ thư sau!
Còn đây là bài thơ của một thầy giáo trẻ ở trường nói thay lời học sinh gửi tặng bọn mình:
Em không hẹn thế mà cô lại đến
Một sớm mai kia dìu dịu hương xuân
Có gì nhỉ mà vừa thân vừa mến
Đường đến trường xa mà em lại thấy gần.
Giờ học tan trống giục liên hồi
Hối hả ngược dòng người cô lên thăm lớp
Cô vui với chúng em mỗi ngày thêm một giờ tốt
Ánh mắt cô cười em chẳng dễ quên đâu!
Xa chúng em rồi cô đi về đâu?
Trời Từ Liêm có xanh mầu xứ sở
Đất Từ Liêm có bừng hoa nhãn nở
Như quê em xứ nhãn buổi xuân nồng?
(Trường Sư phạm hồi đó ở Từ Liêm)
Xin chúc mừng các thầy cô giáo nhân ngày 20/11. Nghề sư phạm thật VINH DANH với danh hiệu là "Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý"!Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009
Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2009
Thứ Năm, 12 tháng 11, 2009
MẸ ƠI,
Ngày còn bé, mỗi lần lũ trẻ nhà tớ gọi “Mẹ ơi” là chúng có điều gì thủ thỉ tâm sự, hoặc cần sự giúp đỡ hoặc đơn giản chỉ muốn mẹ ôm vào lòng vì lúc ấy bỗng dưng thấy tình cảm dạt dào đột xuất! Thế rồi theo năm tháng chúng lớn dần lên! Bây giờ so với hai nhóc mẹ trở thành bé nhỏ, còi cọc nhất nhà, và cái câu “Mẹ ơi” dần dần có một ý nghĩa khác.
“Mẹ ơi, tháng này con phải nộp tiền học thêm”
“Mẹ ơi, cho con tiền ăn sáng”
“Mẹ ơi hôm nay con đi sinh nhật bạn, mẹ có cao kiến gì không?”
“Mẹ ơi, dép con đứt rồi !” v.v và v.v...
Cứ mỗi lần nghe con gọi, tớ lại giật mình, và yêu cầu của “thượng đế” được đáp ứng ngay lập tức! Trường hợp chưa chuẩn bị kịp, chỉ cần hắng giọng là ông hàng xóm đã hiểu ý liền, tương trợ đội bạn ngay. Tuy thế đã nâng khăn, sửa ví OX cẩn thận rồi nên những trường hợp đặc biệt ấy cũng chỉ hãn hữu thôi, có “hơi” nhiều một chút thì sẽ bị nhắc khéo bằng nụ cười tươi: “Mẹ nó dạo này chăm lấy của trai miền xuôi nuôi trai miền ngược nhỉ !” hì hì.
Hôm nay cũng vậy, ở cơ quan lúc nghỉ trưa thì Cu Anh gọi điện :
- Mẹ ơi,
- Gì vậy con?
- Sáng nay con để quên chìa khoá nhà rồi, giờ không vào nhà được.
- Hay là con đến cơ quan mẹ lấy?
- Nhưng con còn chưa ăn gì, đi học về mệt quá!
- Thôi để mẹ về vậy!
Định mắng cho con một trận vì cái tội đãng trí nhưng nghe nó nói” chưa ăn gì...” thế là lại trùng xuống. Phóng về nhà giữa trưa để đưa cu cậu đi ăn rồi lại đi đến cơ quan. Đến nơi, thấy tớ thở phì phò mọi người hỏi thăm. Kể lại chuyện, có bạn nói :” Chị chiều con quá, nó lớn rồi bắt nó tự lập đi”, người khác lại bảo “Đúng là chị ...dại trai rồi”
Có khi đúng thế thật các bạn nhỉ! :D
Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2009
TA MANG CHO EM MỘT ĐOÁ QUỲNH...
Quỳnh hứng sương sa, đón gió trời
Nửa đêm tỉnh giấc ngắm trăng soi
Mảnh mai cánh vẫy khoe xuân sắc
Ngan ngát hương bay góp mật đời
Bạc phận môi hồng vài tiếng mỏng
Đoạn trường má phấn chút tình lơi
Tiết trinh dâng trọn đêm nay hết
Dẫu biết ngày mai cách biệt rồi.
(Nắng Xuân)
Vui vui cuối tuần: Giáo viên môn văn tại trường đại học ra đề bài: Hãy viết 1 đoạn văn càng ngắn càng tốt và phủ được tất cả những chủ đề sau: tôn giáo, tình dục, thần thoại bí hiểm. Một nữ sinh viên đã có BÀI LÀM XUẤT SẮC NHẤT với nội dung vẻn vẹn một dòng: "Chúa ơi, con đã có thai, con tự hỏi ai là bố của đứa bé".
Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009
BÁT CANH RAU NƯỚC TRONG BIẾC
Lối viết giản dị, khá kinh điển, truyện đã chạm tới một thực tế phức tạp của xã hội Trung Quốc đương đại, và cũng thật gần gũi với Việt Nam. Truyện bộc lộ sinh động được cả những đặc trưng giới tính của các nhân vật cùng nét tinh tế nơi thẳm sâu trong cách cảm, cách nghĩ của những típ người Á đông hiện đại.
Nhà văn nữ Phan Hướng Lê sinh năm 1966, là thạc sĩ văn học và Hội viên Hội Nhà văn Trung Quốc.
Anh mở cửa rồi nhìn sang phòng khách, không thấy chị ở đó. Anh mỉm cười, đi vào bếp, quả nhiên chị đang đảo cơm trong nồi. Anh ngửi thấy mùi cơm thơm, rất thơm. Điều lạ là ở nơi khác, hầu như anh chưa ngửi thấy mùi cơm thơm như thế bao giờ.
Anh rửa tay, ngồi vào bàn ăn. Chị bưng lên hai đĩa nhỏ có hoa xanh, một đĩa đựng mười mấy con ốc hạt mít, một đĩa đựng rau non mỡ, trong trong. Cuối cùng chị bưng lên một âu sành nhỏ, đây mới chính là món anh mong chờ nhất. Lập tức anh mở nắp âu ra xem, trong đó có trắng có xanh, có đỏ, trông thật vui mắt.
Anh tự múc trong âu ra nửa bát canh. Nước canh trong, không có váng mỡ, xanh là rau cải, trắng là đậu phụ, lại còn dăm ba hạt câu kỷ đỏ. Mùi vị canh tuyệt hảo, bảo chay tịnh thì lại rất đậm đà, bảo đậm đà thì lại rất thanh đạm, bảo thanh đạm thì lại rất ngọt ngào. Bát canh chẳng khác gì có đoá phù dung nổi trên mặt nước trong, đầy vẻ thiên nhiên. Chỉ húp một ngụm thôi đã thấy các giác quan bị tê liệt cả một ngày bỗng dưng thức tỉnh, vẻ mặt anh cũng biến đổi theo. Dường như vỏ bọc mỏng trên mặt đã bị vỡ tan, tất cả các thớ thịt, tất cả các nếp nhăn đều duỗi ra... thật là một món canh ngon tuyệt! Nó khác hẳn các bữa tiệc anh phải thù tiếp - tiệc công việc. Loại tiệc như thế không bao giờ có cơm. Lúc nào cũng quá nhiều chất béo, quá nhiều vị nồng cay làm cháy cả cổ, lưỡi hầu như tê dại.
Anh húp liền hai bát canh rồi mới ăn cơm, cứ một con ốc hạt mít lại một gắp rau, một đằng béo, một đằng giòn, đều là những món trôi cơm. Bát cơm hết veo lúc nào cũng chẳng hay, nhưng anh không xới thêm mà chỉ nhấm nháp một lưng canh nữa, sau đó anh đặt bát xuống, mỉm cười với chị:
- Em nấu sao được món canh này? Ai cũng bảo tiệm ông Vương Già có món canh ngon, nhưng theo anh thì canh ở tiệm ấy cũng không ngon bằng canh nhà nấu.
- Nói ra thì... Kỳ thực rất đơn giản, nhưng phải có lòng kiên trì.
Sau này nhiều lần anh thấy luyến tiếc cuộc sống lúc đó. Cuộc sống thật yên bình. Cảm giác thật tuyệt khi ngồi vào bàn ăn đợi vợ bưng chiếc âu sành lên, màu sắc đẹp mắt khi mở nắp âu ra.
Anh đã kết hôn mười bảy mười tám năm rồi. Vợ anh là bạn thời học đại học, là mối tình đầu. Ra trường hai năm, họ làm lễ cưới và chẳng bao lâu đã có con. Thằng bé chẳng những học vào loại ưu mà còn rất xinh trai, bởi vì chị là hoa khôi của trường, chẳng cần trang điểm cũng đáng yêu. Vì thế nên anh không dễ bị sắc đẹp đàn bà làm kinh động. Vả chăng anh cũng biết sắc đẹp của phụ nữ bây giờ phần lớn nhờ vào mỹ phẩm.
Nhưng sự xuất hiện của Đô Đô là một việc hoàn toàn bất ngờ. Lúc đầu anh thấy đó chỉ là cô bé còn chưa trút bỏ được vẻ ấu trĩ, như một bình hoa thuỷ tinh, đẹp và trong suốt, chỉ để ngắm chứ không dùng được bao lâu. Tới khi nhận ra ý đồ của cô bé, anh còn cảm thấy buồn cười. Nếu không phải là nhân viên của anh, cô bé đáng gọi anh bằng chú. Đương nhiên anh cũng thầm lấy làm thích thú. Cô bé chẳng những xinh đẹp mà gia đình cũng không xoàng. Cha là luật sư nổi danh, mẹ là bác sĩ nổi tiếng, gia đình vốn định cho cô sang Đại học Cambridge du học. Một cô bé như thế mà gần gũi đàn ông thì...
Lúc đầu anh thật sự không hề để ý vì cho rằng Đô Đô chỉ bốc đồng nhất thời, hơn nữa anh không thể phá hoại gia đình của mình. Nhiều năm nay, vợ anh xin nghỉ công việc dạy học ở một trường trung học mà chị đang làm rất tốt, chuyên tâm ở nhà giúp chồng, dạy con. Một phụ nữ ngoài bốn chục tuổi, không có sự nghiệp, cũng không có bạn bè, chị sẽ sống sao đây? Huống hồ rất nhiều đàn ông bây giờ sau khi thành đạt đều tìm thú vui mới, bỏ mặc người vợ kết tóc xe tơ. Anh không muốn mình cũng là hạng đàn ông tầm thường. Nhưng con gái thời nay chỉ thích làm theo ý mình. Các cô muốn gì là vừa khóc vừa gào đòi chết. Bình hoa thuỷ tinh Đô Đô vì yêu anh vô vọng nên đặt mình trên vách đá thẳng đứng. Cuối cùng anh đành phải giơ tay đỡ lấy cô ta.
Anh không về nhà ăn cơm nữa. Sau đó cả đến tối cũng không về. Anh bảo anh quá bận, sau đó lại nói anh muốn ở một mình cho yên tĩnh. Chị im lặng hồi lâu. Cuối cùng chị bảo:
- Thôi thế này vậy, khi nào anh muốn về thì gọi điện.
Anh không thích thuê nhà, bảo phải mua một căn hộ trang bị đầy đủ, đồng bộ, từ đồ đạc đến đồ điện. Đô Đô lại không thích, cô bảo kiểu nhà như thế không có phong cách. Cuối cùng cô đưa anh về ở nhà cô. Đô Đô một mình ở căn hộ hai phòng ở, một phòng khách do cha mẹ mua cho. Cô tự trang trí lấy, một phong cách gọn nhẹ, hiện đại nhưng lại là kiểu còn tốn tiền hơn cả bài trí hoa lệ.
Tình yêu mới, nhà ở mới, không khí mới, điên cuồng mới, cả anh cũng thấy mình như đổi mới. Mấy tháng trời qua đi như có cánh bay. Cũng có lúc cả hai thấy đói. Anh là nhân vật của một nửa công chúng, không thể đi ăn hàng ngày ở tiệm, Đô Đô đành phải gọi các tiệm mang đồ ăn tới nhà. Món ăn đưa đến không có canh, họ có lúc uống thay bằng trà Ô Long đóng hộp và thường xuyên hơn là uống Côca Côla.
Dần dần bữa ăn trở thành công việc khổ sai, bởi các món đưa đến trở nên khó nuốt, hơn nữa anh còn phải che giấu, bởi chỉ cần anh tỏ ra không vừa ý là Đô Đô nói ngay: "Em biết anh lại nhớ cuộc sống trước kia rồi chứ gì? Anh thấy hối thì cứ nói toẹt ra đi!".
Chẳng ngờ một hôm, vừa vào qua cửa, anh đã nhìn thấy khuôn mặt ửng hồng vì hưng phấn của Đô Đô. Đô Đô kéo anh vào bếp. Trong bếp là cảnh một siêu thị thu nhỏ sau cơn động đất. Mọi thứ đều rối loạn, cả đến mái tóc của Đô Đô cũng dính một thứ gì đó vàng vàng như mỡ. Tất bật một lúc lâu rồi Đô Đô cũng làm xong. Anh làm ra vẻ không do dự xúc món xúc xích Viên sốt cà chua thêm mười mấy thứ gia vị khác nữa. Ăn xong, anh nói: "Từ nay không cần phải nhiêu khê đến thế. Người giỏi làm cơm thì cho dù chỉ có canh nước trong cải biếc, ăn vào đã thấy sướng!".
Dứt lời, anh lập tức nhận ra mình đã nói một câu không nên nói.
*********************
Khi tiếng chuông cửa vang lên, trong một giây, chị tưởng anh trở về, nhưng chị hiểu ngay là không phải. Chị mở cửa, một cô gái trẻ đứng ngay trước mặt chị, da trắng nõn nà. Chị thầm hỏi bằng ánh mắt, cô bé nói: "Em là Đô Đô, bạn của chồng chị!".
Chị hiểu ra ngay. Đô Đô muốn tìm một tình cảm nào đó biểu hiện trên nét mặt chị nhưng không hề có. Cô ấy đi vào đề:
- Hôm nay em đến đây, một là muốn thấy chị là người như thế nào, hai là muốn được chị cho ăn cơm chị nấu. Anh thường khen chị nấu món đơn giản nhất cũng thành được món ngon nhất nên em tò mò.
Chị dường như cảm thấy khó nghĩ, lát sau mới nói:
- Thế thì cô ăn tạm bữa cơm xoàng vậy.
Chị dọn ra một bát cơm, hai đĩa thức ăn nhỏ và một cái âu sành. Đô Đô mở âu sành, múc một bát canh, húp một ngụm rồi chẳng cần suy nghĩ đã reo "Oa!". Cô ngờ vực nhìn chị:
- Đây chính là món canh nước trong rau biếc hay sao?
- Anh ấy gọi như thế! - Chị đáp.
- Chị có thể cho em biết canh này nấu như thế nào không?
Chị dường như khẽ trút một tiếng thở dài, sau đó mới nói:
- Phải chuẩn bị nhiều thứ đấy. Sườn ngon, giămbông Kim Hoa, gà cỏ Tô Bắc, tôm tươi Thái Hồ, măng núi Mạc Can, sò tươi, nấm hương, đến mùa cua thì mua cua hồ Dương Trừng, chặt làm đôi, cho tất cả vào âu đun nhỏ lửa chừng ba bốn giờ. Nước một lần phải đổ cho đủ, không cho muối, bột nêm. Hầm xong, vớt tất cả bã ra, cả những vụn bã nhỏ cho nước thật trong. Lúc gần ăn mới thả đậu phụ, rau cải, những thứ này có thể hút hết váng mỡ.
Đô Đô hít vào một hơi dài. Đây chính là món canh được gọi là "nước trong rau biếc" sao? Lòng dạ người phụ nữ này mới sâu lắng làm sao! Còn người đàn ông kia nói mà chẳng hiểu gì hết. Hàng ngày được hưởng thụ món ngon như thế mà anh lại cho rằng đó là món đơn giản nhất, dễ làm nhất? Chính trong giây phút đó, Đô Đô sâu sắc hiểu ra người phụ nữ ấy. Cô cũng hiểu ra trên thế giới này, giữa tình yêu này và tình yêu kia khác xa nhau biết mấy!
Chị nhìn Đô Đô, cười khoan dung rồi hỏi:
- Cô có thể vì anh ấy mà nấu như vậy không?
Đô Đô ngoẹo đầu, nghiêm túc suy nghĩ rồi đáp:
- Em có thể làm như vậy, nhưng không cần nữa rồi.
Một tháng sau. Chiều muộn, như thường lệ chị ở trong bếp. Chuông cửa bỗng reo vang, chị mở cửa, bất ngờ lại là anh. Chị ngẩn ra, buột miệng hỏi:
- Sao thế? Quên không mang chìa khoá à?
Anh cảm thấy như trút được gánh nặng, xác định mình có thể rửa tay ngồi vào bàn ăn được rồi. Chị bưng lên một khay to. Chứ không mang thành nhiều lần như trước. Trên khay có hai bát cơm, hai đĩa nhỏ thức ăn và một cái âu sành. Đó là thứ anh nhớ nhung nhất. Không chờ được, anh mở nắp âu, múc ra lưng bát canh. Vẫn có xanh, đỏ, trắng, vẫn là màu nước trong vắt, không có váng mỡ. Anh hấp tấp hút một ngụm, chỉ một ngụm ấy là đã biến sắc mặt.
- Canh gì thế này? - Anh không dám nhổ ra.
Chị nếm một ngụm rồi nói:
- Nước trong rau biếc thì chỉ có thế này thôi.
Anh đặt thìa xuống xét nét nhìn chị. Chị không nhìn anh, thản nhiên ăn cơm. Anh không ăn, châm một điếu thuốc. Chị không hề nhìn anh lấy một cái. Ăn xong miếng cuối cùng, chị thu hết bát đĩa vào khay, sau đó mới nhìn thẳng vào anh nói:
- Nhà ta sau này có thể phải thuê một người giúp việc theo giờ. Em tìm được việc rồi mà việc nhà lại nhiều như vậy.
- Em đi làm? Làm gì? - Anh kinh ngạc hỏi.
- Anh quên rồi à? Em vốn là một cô giáo.
Ngụm canh khó nuốt vừa nãy dường như cuộn lên trong ruột, anh buột miệng hỏi:
- Việc lớn như thế sao không bàn với tôi? Em bây giờ sao thế? - Vừa hỏi xong, anh đã thấy hối. Người đuối lý là anh.
Nhưng chị không nói gì thêm, chỉ nhìn anh một cái. Cái nhìn ấy khiến anh bắt đầu nhận ra mình thật ...!.
Người dịch: Phan Tú Châu
(Copy từ blog TKO)
XQ ĐÀ LẠT
TÀI HOA, đó là ấn tượng đậm đà nhất của tôi sau khi thăm quan XQ sử quán ở Đà Lạt. Mặc dù được nhắc nhở là cấm không được chụp ảnh nhưng mà tranh đẹp quá nên khách xem vẫn chụp trộm tách tách rồi cười trừ. Mời các bạn xem một số bức tranh mà khổ chủ chụp trộm được nhé!
Thứ Tư, 4 tháng 11, 2009
Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2009
PHỤ NỮ U60
(Lưu Hiểu Khánh ở tuổi 58- Theo VNexpress)
Trong cuộc sống ai cũng mê cái đẹp dù là giới nào, tôi cũng vậy.
Nhiều lần tôi đã gặp những người phụ nữ trên 50 tuổi mà vẻ đẹp của họ hút hồn làm tôi ngơ ngẩn, ấn tượng của họ làm tôi nhớ mãi.
Đó là nữ giáo sư, tiến sỹ Mỹ Lộc mà ngồi nghe bài giảng của chị người ta không chỉ mến phục về vẻ đẹp đài các quý phái mà còn ngưỡng mộ về tài năng và trí tuệ của chị nữa
Đó là Sếp của tôi, một người phụ nữ tài giỏi vừa có tâm vừa có tầm. Chị cuốn mọi người theo công việc bằng ngọn lửa ham mê nhiệt tình, bằng sự quan tâm, đồng cảm sẻ chia, bằng trí tuệ sắc bén và trái tim nhân hậu. Tôi thấy cảm phục khi Sếp cương cường giải quyết những khó khăn trong công việc, lại trầm trồ khi Sếp cất giọng hát cao vút trong các bữa tiệc vui hoặc lắc mình một cách rất tự nhiên, trẻ trung theo điệu nhạc. Không dễ gì mà những ông Tây học vấn đầy mình răm rắp làm việc dưới sự chỉ đạo của một người phụ nữ Viêt Nam bé nhỏ.
Đó là bà chủ quán 123 ở phố Huế mà mỗi khi cùng cả gia đình ra quán tôi cứ ngắm mãi vẻ đẹp đằm thắm, nhẹ nhàng của chị. Ngoài sự đảm đang tháo vát và quán xuyến một cửa hàng ăn nổi tiếng lúc nào cũng đông chật khách, ở chị còn toát ra vẻ thanh lịch dịu dàng của một phụ nữ Hà Thành xưa.
Và còn nhiều, còn nhiều những phụ nữ khác tôi đã gặp ngoài đời, nhiều vẻ đẹp mà tôi thấy còn lung linh hơn nhiều những gương mặt đã được tôn vinh ở những cuộc thi sắc đẹp nào đấy. Những người phụ nữ ấy vương miện của họ chính là sự thành đạt, nụ cười viên mãn và sự toả sáng của bản thân đối với mọi người.
Tất cả những phụ nữ đáng ngưỡng mộ ấy, tôi thấy họ không chỉ đẹp về hình thức mà trên gương mặt họ còn sáng lên vẻ đẹp của trí tuệ, của sự chín chắn và tự tin về bản thân mình. Và tôi thấy vẻ hạnh phúc rạng ngời trong đôi mắt họ, ở cái lứa tuổi mà người phụ nữ cảm thấy “chín” nhất, đằm thắm nhất! Hầu hết họ đều có địa vị vững chắc trong cuộc sống và có một tổ ấm gia đình hạnh phúc!
Phụ nữ lại đi khen phụ nữ, không khách quan lắm? có thể có anh em nào nghĩ thế. Nhưng đúng là có những người đã gặp trong đời họ để lại ấn tượng mà ta không thể quên được. Nếu tôi mà là nam giới chắc là “hư” từ lâu rồi! Đùa chút nhé, nghĩ vậy mà chẳng phải vậy!. Trước những người phụ nữ như thế, ý nghĩ “tội lỗi” chắc khó có cơ phát triển, có chăng ta thấy lòng ta “trong sáng” hơn khi gặp họ mà thôi!.
Thứ Năm, 29 tháng 10, 2009
HOA ĐÀ LẠT
Đà Lạt, thành phố ngàn hoa, không chỉ hoa đào mà hoa nào cũng đẹp. Mầu hoa ở đây dường như đậm hơn, tươi hơn và rực rỡ hơn ở các nơi khác: Vàng thì vàng rực, tím thì tím biếc, đỏ thì đỏ thắm....
Một loại hoa cúc mới ở Đà Lạt
Hoa xương rồng
Bông hồng thắm đỏ nở rực rỡ trong nắng vàng Đà Lạt
Hoa chuông
Cẩm tú cầu đủ mầu được trồng dọc lối đi và ở các hàng rào ven đường đẹp một cách...thản nhiên!
Trông giống như hoa sen cạn nhưng loài hoa này lại bám leo ở các bức tường rào!
Hoa lan tường.
Chụp bông hoa ven đường lại được khuyến mại thêm chú ong, hehe
Hoa... không nhớ tên :D
Thảm hoa dã quỳ vàng óng, bạt ngàn dọc theo những triền đồi, rung rinh sóng vàng khi những cơn gió cao nguyên thổi tới!
Đà Lạt ! Hãy để hoa nói thay lời về thành phố mộng mơ này bạn nhé!
Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2009
Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2009
Tranh thêu XQ
Vầng trăng non cong khuyết nét lông mày
Tôi đứng sững tựa hồ chân bén rễ
Trái thông non vô ý rụng trên tay!
(ST-không rõ tác giả)
Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009
Thứ Tư, 21 tháng 10, 2009
NHÀ THỜ GỖ Ở KONTUM.
"Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum, còn gọi một cách gần gũi là nhà thờ Gỗ, được xây dựng ở trung tâm thị xã từ năm 1913, tới năm 1918 thì hoàn thành.
Nhà thờ được làm hoàn toàn bằng gỗ cà chít, theo phong cách Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na, là một công trình khép kín gồm: giáo đường, nhà tiếp khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông. Ngoài ra, trong khuôn viên nhà thờ còn có cô nhi viện, cơ sở thủ công mỹ nghệ của đồng bào dân tộc. Tuy gồm nhiều công trình nhưng do sắp xếp hài hòa nên bố cục tổng thể nhà thờ không bị phá vỡ, ngược lại thánh đường còn được tôn thêm vẻ đẹp nhờ khu hoa viên với nhà rông cao vút, điểm xuyết các bức tượng làm bằng rễ cây có tính mỹ thuật cao.
Đứng từ rất xa, du khách đã có thể nhìn thấy tháp chuông nhà thờ với màu nâu ấm áp nổi bật trên nền trời xanh trong của cao nguyên. Qua các đường phố, tản bộ trên đường Nguyễn Huệ, du khách bước vào giáo đường thênh thang và cảm giác đầu tiên có thể cảm nhận là mình thật nhỏ bé bên hàng cột gỗ hai người ôm không xuể giờ đã ngả màu đen bóng. Cung thánh nhà thờ được trang trí hoa văn nghệ thuật mang bản sắc Tây nguyên, tạo ấn tượng vừa trang nghiêm huyền bí vừa hết sức gần gũi.
Hệ thống cột gỗ, rui mè trong nhà thờ tuy không chạm khắc tỉ mỉ, công phu như ở các nhà rường cổ, nhưng chính những hoa văn có đường nét phóng khoáng đã thể hiện được cái chất của người Tây nguyên, hồn nhiên và khỏe mạnh. Thánh đường có rất nhiều khung cửa kính màu vẽ các điển tích trong kinh thánh, các khung cửa này vừa có tác dụng lấy ánh sáng vừa tạo thêm vẻ rực rỡ, tráng lệ cho giáo đường. Không bê tông cốt thép, không một chút vôi vữa, nét độc đáo của ấn tích này là tất cả các bức tường đều được xây bằng đất trộn rơm - kiểu làm nhà của người miền Trung, dù gần một thế kỷ trôi qua vẫn vững vàng, bền đẹp.
Một vị linh mục cho biết, nhà thờ Gỗ được dựng lên hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, bàn tay tài hoa của các nghệ nhân người Kinh từ Bình Định, Quảng Nam và cả từ miền Bắc vào đã làm nên điều kỳ diệu đó. Xem ra đến với nhà thờ Gỗ Kon Tum, người ta được ngắm một công trình nghệ thuật đã tồn tại cả trăm năm..."
Thứ Hai, 19 tháng 10, 2009
Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2009
MÙA ĐI LẠC!
Bốn mùa (chụp tại sân bay Đà Nẵng)
Một chút thu giữa hè lửa cháy
Một chút hạ giữa đông lạnh run
Một chút xuân lạc giữa thu buồn
Mùa không định, đôi khi mùa đi lạc!
Trong mấy ngày ở Kontum tôi đã kịp trải nghiệm thời tiết của cả bốn mùa! Ngày đầu tiên chói chang nắng vàng. Nắng cao nguyên trong vắt, rực rỡ, chan hoà cùng với những cơn gió mạnh mẽ, hào phóng đúng như tính cách khoáng đạt và hồn nhiên của cao nguyên vậy.
Ngày thứ hai trời mát dịu, có lẽ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Nắng trốn đâu mất chỉ còn lại bầu trời xam xám.
Đến ngày thứ ba thì trời se lạnh, mưa rả rích cả ngày đến chiều tối mưa càng lúc càng mau và trời trở lạnh hơn.
Trời xanh, mây trắng, nắng cao nguyên!
Con đường quốc lộ ở Kontum sau cơn bão!
Đi dọc đường Hồ Chí Minh từ Kontum ra Đà Nẵng mới thấy những hậu quả do cơn bão số 9 vừa qua gây ra thật là khủng khiếp. Nhiều đoạn đường bị ngập sâu, rào chắn hai bên đường bị phá sập, đất đá, cây bật rễ tràn đầy lòng đường. Và đau lòng hơn nữa tôi thấy cơ man nào là gỗ đủ các loại (có những khúc gỗ rất to) trôi từ thượng nguồn dạt vào bờ sông mà không biết ai là chủ gỗ. Dân địa phương ra lấy gỗ kéo về chất đống ở vườn nhà mình. Rừng cứ bị chặt phá như thế, bình thường thì trót lọt nhưng trong những trận bão như thế này, hậu quả, "sản phẩm của lâm tặc" phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật trông thật là xót ruột!
Một chút dông dài sau một chuyến đi, chúc cả nhà Chủ nhật vui vẻ!
Thứ Ba, 13 tháng 10, 2009
Thứ Hai, 12 tháng 10, 2009
Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2009
HOA CÚC QUỲ
(Ảnh sưu tầm trên net.)
Lần đầu tiên có dịp lên Đăklắc, cảm giác đầu tiên của tôi là cái nắng vàng! Nắng ở đây dường như vàng hơn, trong hơn và đẹp hơn ở nhiều nơi khác. Thời tiết cuối thu như một cô gái đẹp nhưng hay dỗi hờn: trời mát mẻ, nắng hây hây , gió nhẹ nhưng thoắt nắng lại thoắt mưa... Và ấn tượng đặc biệt nhất đối với tôi là hoa Cúc quỳ. Dường như đất mẹ bazdan mầu mỡ đã thổi sức sống vào những dãy Cúc quỳ rực rỡ hai bên đường! Bài viết của Quỳnh Như đã nói hộ cảm xúc của tôi về hoa Cúc Quỳ :
Không biết có nơi nào cũng mọc loài hoa bình dị mà rực rỡ như cúc quỳ Tây Nguyên của tôi? Những ngọn núi, những thung lũng, những triền đồi bạt ngàn hoang dại, gió cuốn thành lớp lớp sóng hoa vàng. Mỏng manh mà mãnh liệt. Trong mỗi bông hoa cúc quỳ vàng, có phải đang đập nhịp trái tim yêu tha thiết ...
Đã nở rồi, những cánh cúc quỳ mỏng manh.Người xưa kể rằng, nàng Bờ Nga Ang, người con gái Ja-rai duyên dáng, không may trở thành nô lệ. Chàng dũng sĩ của nàng đã vượt bảy sông, bảy núi, bảy rừng đi tìm người yêu, nhưng tìm được nàng, khi cùng nàng trở về chỉ mới nhìn thấy bóng núi thân thuộc thì nàng đã kiệt sức. Theo ước nguyện của nàng, chàng nuốt đau thương vào ngực, đưa thi thể người yêu lên dàn lửa, rồi lên đỉnh núi cao nhất, gửi nắm tro tàn nhờ gió đưa về quê nhà. Mỗi hạt tro về với đất mẹ lại hồi sinh, nảy thành chồi non, đâm cành đơm nụ, bung hoa... Đó là hoa Bờ Nga Ang, tên của người con gái...
Người thời nay nhìn hoa, thấy tiềm ẩn trong những cánh hoa mong manh ấy là một sức sống bền bỉ, mãnh liệt. Hoa như của phận nghèo, không dám chen chân những nơi đất đai màu mỡ. Nơi đất khô cằn, đồi cao, ven rừng, ven suối... một nhánh bén rễ vượt lên rồi thành vạt, thành dải tựa vào nhau. Cách tồn tại của hoa, sắc màu của hoa cứ như một lời đồng cảm với phận nghèo. Mà cũng lạ, giữa cái lạnh cao nguyên, gặp màu hoa thấy ấm.
Tôi yêu cúc quỳ vì ở loài hoa ấy, mọi thứ đều được đẩy đến đỉnh điểm, không có sự nửa vời. Lá xanh, thì xanh đến thẫm lại. Hoa vàng thì vàng chói lọi, như gom vào đó mọi sợi nắng trời. Dù phát, dù đốt, dù cái kiệt khát của mùa khô có làm cúc quỳ gục xuống, thì chỉ là để đợi mùa mưa, cơn mưa đầu mùa dứt, mầm sống lại bật lên rời rợi. Và những cơn gió chạy trên thảo nguyên như ngựa lồng, cũng chỉ làm cúc quỳ thêm kiêu hãnh bừng lên mà thôi. Tôi yêu mùi hương của loài hoa ấy, hơi hăng hắc, đăng đắng, mà dịu dàng tinh khiết như khí trời, cái mùi của đồng cỏ, của sương mai, của nắng, của đất bazan. Nó gợi cho người ta cảm giác thanh lọc, hoài niệm.
Không biết có nơi nào nhiều cúc quỳ như Tây Nguyên của tôi. Cúc quỳ có mặt ở mọi nơi, có lần giấc mơ của tôi vàng rực một màu cúc quỳ. Cúc quỳ vô tư đến mức có khi làm người ta bực mình vì chỉ cần lơ là một chút là cúc quỳ lấn vào tận sân nhà, không chịu bằng lòng chỉ là loài hoa tô điểm cho hàng rào, làm sinh động cho đồng cỏ, thêm sắc màu cho những con đường ngàn ngàn cỏ hoa. Và khi gió bắt đầu chạy ràn rạt trên đồng cỏ thì chỉ cần bẵng đi một chút là cúc quỳ đã đồng loạt nở bung. Một sáng ra đường, bất ngờ thấy sắc vàng ấm áp, biết là những cơn gió lạnh sắp về, đã chớm mùa khô, và hơi xuân đã ẩn mình đâu đó.
Không biết có nơi nào cũng mọc loài hoa bình dị mà rực rỡ như cúc quỳ Tây Nguyên của tôi? Những ngọn núi, những thung lũng, những triền đồi bạt ngàn hoang dại, gió cuốn thành lớp lớp sóng hoa vàng. Mỏng manh mà mãnh liệt. Trong mỗi bông hoa cúc quỳ vàng, có phải đang đập nhịp trái tim yêu tha thiết của nàng Bờ Nga Ang?
Về mà thương, ơi cúc quỳ...
Quỳnh Như
Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2009
Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2009
CÂY BỒ KẾT Ở NGÃ BA ĐỒNG LỘC.
Công việc xong xuôi, ngồi bên ấm nước chè xanh sóng sánh mà chắc các bạn đã từng biết vị ngon của nó qua câu ca: ...nước chè xanh Xứ Nghệ/ Càng chát lại càng ngon... câu chuyện về quê hương, về tình người càng lúc càng đậm đà.
Buổi chiều các bạn bố trí đưa tôi đi thăm quan Ngã ba Đồng Lộc và mộ Tổng Bí thư Trần Phú, đến tối mấy anh chị em lại cùng ra sân ga ngồi cho muỗi cắn chân, lưu luyến tiễn đưa đến khi tầu chuyển bánh!
Trở về nhà rồi mà tôi vẫn nhớ mãi cái cảm giác gai người vì xúc động khi đọc bài thơ "Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc" của nhà thơ Vương Trọng khắc trên tấm bia đá.
Đây là tấm bia đá được đặt cạnh cây bồ kết trong khu mộ của mười cô gái Hà Tĩnh, nơi các cô đã hiến trọn tuổi xuân, giữ thông tuyến đường máu lửa tại ngã ba Đồng Lộc để đưa xe ta ra trận!
(Ảnh sưu tầm trên net.)
LỜI THỈNH CẦU Ở NGHĨA TRANG ĐỒNG LỘC
- Mười bát nhang hương cắm thế đủ rồi
Còn hương nữa hãy dành phần cho đất
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp
Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi.
- Hoa cỏ may khâu nặng ống quần, kìa!
Ơi các em tuổi quàng khăn đỏ
Bên bia mộ xếp hàng nghiêm trang quá
Thương các chị lắm phải không, thì hãy quay về
Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi cùng bao vùng đất trống
Các chị nằm còn khát bóng cây che.
- Hai mươi bảy năm qua chúng tôi không thêm một tuổi nào
Ba lần chuyển chỗ nằm lại trở về Đồng Lộc
Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo
Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường.
- Cần gì ư, lời ai hỏi trong chiều
Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.
Đồng Lộc, 05-7-1995
Thứ Hai, 5 tháng 10, 2009
Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2009
KHUYẾN MÃI: BIA KÈM THUỐC LÁ MỐC NÀO!
Hôm trước vừa đi làm về đang chuẩn bị nấu ăn thì cu cậu gọi giật giọng:" Mẹ ơi vào phòng con có việc tý". Đang phân vân không biết có chuyện gì thì cu cậu lại gọi tiếp :" Bố, con có chuyện muốn nói với bố một chút". Cả hai bố mẹ ngơ ngác và hơi lo không biết có chuyện gì mà cậu ta trịnh trọng mời cả bố mẹ vào cùng một lúc thế này? Hai thân già đang lo lắng thì cu cậu đưa ra tấm bằng khen, cả bố mẹ cùng thở phào sung sướng!
Cây hoa Trạng nguyên này mình mua về dạo Tết để tặng Cu Anh, sau vài ngày cây héo rũ rồi rụng dần hoa tưởng không sống được. Kiên trì chăm tưới giờ cây đã mơn mởn, vươn lá non ra đón ánh mặt trời!
Thăm đền tưởng niệm Bác Hồ tại vườn quốc gia Ba Vì
Mẹ viết về con thì chắc không thực khách quan và con lớn rồi cũng không muốn mẹ cứ coi con mãi như cậu bé ngày nào. Chỉ có một điều mẹ mong ước nhất: Hãy là chỗ dựa vững chắc và niềm tự hào của gia đình ta trong cuộc đời còn nhiều khó khăn, vất vả này con nhé, cậu bé NHÂN HẬU của mẹ.
P/S: Mẹ cháu chắc đến 7/10 là cu Anh chưa có người yêu. Nếu bạn gái nào có ý định trở thành người yêu của cu Anh sẽ được "khuyến mại" thêm cả một bà mẹ chồng hiền lành và biết điều nữa đấy!
Cuối tuần chúc cả nhà đón Tết Trung thu thật vui nhé!
Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2009
Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2009
Đố ai định nghĩa được...
(Ảnh copy tren Net.)
Đố ai định nghĩa được chữ mong
Có khó gì đâu rối cả lòng
Cả tuần mong rảnh để bờ lốc
Thế mà viết mãi vẫn chẳng xong!
Đố ai định nghĩa được chữ khô
Có khó gì đâu chữ hàng bồ
Nhưng mà cảm xúc không chịu đến
Ảnh xấu, thơ cùn chẳng dám phô
Đố ai định nghĩa được chữ say
Bờ lốc đam mê tối lại ngày
Bận bịu thôi đành xin gác lại
Rảnh rồi gặp bạn lại mê ngay!
Entry viết ngày, 05/07/2008. Dạo này mít đặc quá chẳng viết được chữ nào, đành ăn mày dĩ vãng post lại entry cũ và vác cả "tài sản" lên "phe phang" luôn! Chúc cả nhà cuối tuần vui vẻ!
Đố ai định nghĩa được chữ Tiền
Ngoài miệng khinh rẻ, tâm phát điên
Điện nước, gar, xăng, rồi trẻ mỏ
Có tiền mọi chuyện ắt thành Tiên
....
:D
Đố ai định nghĩa được chữa GHIỀN
Một ngày không đụng đến phát điên
Bờ lốc bờ leo khốn nạn nhỉ
Tốn công tốn sức tốn cả tiền
@ Bác Sói:
Định nghĩa đồng tiền khó quá ta
Tiền là tiền bạc, chẳng thật thà
Tiền là tiền tệ nghe thật khiếp
Thế mà thiếu nó khối người la!
@Vân Nam:
Một ngày không đụng đến phát điên
Vì trên bờ lốc lắm bạn hiền
Buồn vui chia sẻ sao mà thích
Ghiền thế thì vui, chả lo phiền!
· TKO
Đố ai bờ lốc không biết còm
Còm mê còm mải thấy phát ...phê
Còm đi còm lại, ai chê dở
Thì thôi ta sẽ ... hông còm nữa!:-)
· TịnhTâm
·
Ghiền những yêu thương nên không yên
Mãi mê bờ lốc kiếm bạn hiền
Tốn công, tốn sức đâu có sợ
Lo nghiện còm-men cột sống nghiêng!
hehe!!!
· PNH
"Đố ai định nghĩa được tình yêu...", cho dù là "yêu" một cái rất hiện đại là Internet. Thời nào thì thức nấy mà thuthuy, miễn là vẫn "yêu chồng con hơn một tí" như thuthuy là ôkê quá rồi.
· TT.huynh
·
Tình rằng hong định nghĩa chi
Mà cứ ngô ngố vô ghi mấy dòng
Rằng bnóc gơ thiệt là đông
Con nghiện cai mããããããi, thành công liên hồi!
(từ kinh nghiệm bản thân, hihi :D)
@TKO:
Còm hay còm dở cũng ôkê
Khách ghé qua nhà ai chẳng mê
Chỉ sợ một đi không trở lại
Out rồi nhớ blốc lại quay về! hề hề
@Tịnh tâm:
Cân bằng bờ lốc anh ơi
Để nghiêng cột sống mà vơi nỗi sầu
Sức khoẻ vẫn cứ hàng đầu
Mong anh bảo trọng kẻo chị rầu đó nghe!
@PNH: Cám ơn bác Hiệp!
Bờ lốc em có đa mang
Việc nhà cơm nước đảm đang vẫn vẹn tròn
Làm vợ vẫn thiệt là ngon
Dù yêu bờ lốc chồng con hàng đầu!
@T.T.huỳnh: Con nghiện cai mãi, thành công liên hồi!!! Trong tuần này chị cũng cai nghiện bờ lốc thành công được bảy lần rồi đấy em ạ. hehehe
· lanhkts
·
Đố ai định nghĩa được duyên này
Xa vời cách biệt gặp đã say
Năm năm tháng tháng lại ngày ngày
Thâm tình trao gửi say lại say
...
(Khách qua đường xin họa đôi lời)
· TORO
·
Blog là môn thuốc lào thời hiện đại, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên. Rít một phát nào!!!!
· bulukhin
·
Một mai bạn sẽ làm bà
Của đàn cháu nội cả nhà đông vui
Ngôi hoa hậu bạn nhường rồi
Hai nàng dâu sẽ là người lên ngôi
Ông bà thong thả dạo chơi
Xứ mình xứ bạn khắp nơi đi về
Ấy là MONG, ấy là mơ
Ngày mai quả ngọt bây giờ ươm cây.
@lanhkts:
Có duyên mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng comment!
@Toro:
"Thuốc lào" bạn viết tớ say
Hàng xóm vào cũng quên ngay đường về
@bác Bu:
Ấy là MONG, ấy là mơ
Ngày mai quả ngọt bây giờ ươm cây
Nắng sương chẳng quản hao gầy
Đến khi trái ngọt nhớ ngày gian lao!
· Tuankiệt
·
Đố ai định nghĩa được chữ lười
Chẳng nghĩ được gì,mặt mất tươi
Lại đổ cho rằng thì là...bận
Lười mà cũng ...bận,thật trêu ngươi.
@Tuấn Kiệt: Lười cũng bận chứ bác, bận ăn, bận ngủ, bận chơi này... hihihi
Thứ Năm, 24 tháng 9, 2009
Thứ Tư, 23 tháng 9, 2009
Thứ Năm, 17 tháng 9, 2009
CU EM
Dạo này Cu Em lớn phổng hẳn lên, đã thấy hàng ria mép xanh phơn phớt quanh cái miệng cứ hay “dẩu” lên cãi giả của cu cậu. Mẹ gọi điện về nhà nghe giọng vỡ ồ ồ của Cu Em mà thấy buồn cười quá. Đành rằng đó là quy luật, con phải trưởng thành chứ có bé mãi được đâu mà vẫn cứ thấy tiêng tiếc như là có cái gì sắp vuột ra khỏi vòng tay mình vậy! Nhớ ngày xưa khi được sai lấy chén bát, cu cậu kiễng chân chưa tới, anh thấy thế bảo :”Chú để anh lấy cho” mẹ nghe mà cứ tủm tỉm cười hoài. Bây giờ Cu Em cao hơn cả mẹ, cái chuyện lấy bát đĩa kia nay chỉ là chuyện nhỏ, không phải kiễng chân nữa rồi .
Lớn thì có lớn nhưng tồ thì vẫn nguyên xi, bố mẹ vẫn phải chăm chút, nhắc nhở Cu Em từ cái ăn cái mặc đến việc học hành. Nhiều lúc mẹ than :” Thằng bé này nhặt được ở cầu Chương Dương mang về chứ có phải con mình đâu mà phải chăm nó thế nhỉ!” – Cu cậu phản ứng tức thì :”Thế mà hôm nọ bố nói là con nhặt được ở gầm cầu Long Biên! Lần sau có gì thì bố mẹ nói thống nhất địa điểm nhé”! Xấu hổ chưa, phụ huynh ơi là phụ huynh!
Cu Em được thầy cô khen là tiếp thu nhanh nhưng vẫn chưa “say học”, vẫn chưa bật lên được top 10 của lớp, dù biết là lớp Chuyên Toán để đạt được vị trí top 10 cũng không dễ dàng gì. Bố mẹ lo lắng chỉ biết nhắc nhở :”con phải cố gắng nhé, nếu không học giỏi thì sẽ bị mất nhiều cơ hội lắm. Nhà mình nghèo chỉ có trông cậy vào chính sức của con thôi!” . – Nhìn bộ mặt hình sự của bố mẹ khi nhắc nhở con, Sơn ta thủng thẳng : “Vâng, con sẽ cố gắng nhưng mà nhà mình bình thường chứ không nghèo nhá, bố mẹ đừng có nói đùa!” - Phụ huynh lần nữa lại chỉ biết cười toe thôi, thỉnh thoảng cu cậu chọc khe thế này thì đội bạn cầm bằng thua vậy! :D
Các cụ bảo đi hỏi già về nhà hỏi trẻ, cấm có sai. Mong cho Cu Em bé bỏng của mẹ lúc nào cũng giữ được tâm hồn trong veo, thật thà và thẳng thắn như vậy. Cố lên chú Nghé non, phía trước là trời rộng, đường xa, chạy băng băng nhé. Cả nhà đều yêu con NHẤT, yêu anh Hoàng cũng chỉ bằng con thôi! :D
Thứ Tư, 16 tháng 9, 2009
Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2009
Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2009
MỘT MÌNH !
Ảnh sưu tầm trên net.
Một lần tôi có chuyến đi xa
Một túi và tôi - một thân già
Lễ mễ xách mang một mình cả
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga
Cơm ăn ba bữa một mình tôi
Ngồi trái, ngồi phải cũng vậy thôi
Một người chỗ mô ngồi cũng lệch
Miễn sao qua bữa cũng xong rồi!
Hết việc về phòng cũng chán kinh
Ti vi ngồi ngó bấm linh tinh
Net thì chẳng có cai nghiện vậy
Díp mắt ngủ quên chẳng giật mình!
Công việc ban ngày cứ lấn sân
Tối đến chuông reo lại thấy gần
Ông hàng xóm gọi, con ríu rít
Tám xong, buồn vợi được mấy phần!
Vài dòng gõ với nhịp tầu lăn
Mai về ngủ nướng cuộn trong chăn
Ra đi mới có mong trở lại
Tổ ấm vui vầy hết cách ngăn!
Thứ Năm, 10 tháng 9, 2009
NỒNG HẬU QUẢNG BÌNH...
Quảng Bình, mảnh đất miền Trung nắng gió với những con người và phong cảnh đẹp nổi tiếng mình đã nghe nói nhiều, bây giờ mới được qua thăm. Làm sao mà kể hết được cảm nhận về mảnh đất thân thương này chỉ trong một entry ngắn ngủi, ở đây mình chỉ muốn nói về một blogger, một người bạn lớn của mình – Bác Bulukhin.
Bác Bulukhin, một “nhà Quảng Bình học” mà về kiến thức sâu rộng trong các lĩnh vực thì chắc nhiều bạn bloggers đã biết. Về đây lại được tiếp xúc với một Bác Bu khiêm nhường trong cuộc sống hàng ngày với một gia đình phải nói là biểu tượng viên mãn về hạnh phúc. Vì thế qua Quảng Bình công tác và ghé thăm hai bác Bu mình có cảm giác rất đỗi thân quen như là cô em gái nhỏ về thăm gia đình anh chị vậy (không phải là thấy người sang bắt quàng làm họ đâu nha :D)
Bạn đọc chắc đã nhiều lần cảm phục trước những kiến thức uyên thâm cũng như sự chu đáo, tận tâm với bạn bè của bác Bu. Để có được một cao nhân như thế, hiển hiện đằng sau là hình bóng của một bác Bu gái xinh đẹp, đảm đang, chiều chồng thương con hết mực. Bác gái không những là niềm tự hào của bác trai - quả thực sang vì vợ là thế, mà còn là chỗ dựa vững chắc để cho “trẻ thơ lớn tuổi” là bác trai có thể rảnh rang nghiên cứu tự cổ chí kim trong khi những lo toan vất vả đời thường đã có bác gái đảm đương hết rồi! Viết những dòng này bác Bu mà có trách là “nói xấu” bác trên blog thì em cũng đành cười trừ vậy vì ngay cả những vĩ nhân cũng chỉ là những người bình thường trong cuộc sống thôi mà!
Cả hai bác đều thực là mến khách và chu đáo. Còn đang lơ ngơ ở sân bay Đồng Hới, ra đến cửa đã thấy bác Bu đón sẵn với nụ cười ấm áp. Bác hướng dẫn lái xe đi qua những điểm nổi tiếng của Quảng Bình như sông Nhật Lệ, nhà thờ Tam Toà, cây sung Đồng Hới để mình được tận mắt thấy cảnh đẹp và chụp ảnh. Tiếc là thời gian có ít nên mới chỉ chụp được ảnh chứ chưa kịp khai thác thêm các kiến thức khác từ người “hướng dẫn viên” đặc biệt này. Bác gái chu đáo, đảm đang lo cho mình từ việc giao dịch ở ngân hàng đến việc liên hệ phương tiện đi công tác. Bữa trưa ấm cúng với hai bác mình càng hiểu thêm về hai con người nhân hậu với những cố gắng để có được trái ngọt hạnh phúc ngày hôm nay. Đúng là trong xã hội bây giờ, không biết phải đãi bao nhiêu cát mới tìm được thứ vàng mười như hai bác Bu đây, hay nói vui như bác Sói đồng hoang nhận xét đây là một thứ “động vật quý hiếm” trong thời buổi này!
Nói cám ơn hai bác thì chắc là lại bị coi là khách sáo, thôi đành viết vài dòng ngắn ngủi coi như đây là tấm lòng quý mến chân thành của mình vây. Chúc hai bác cùng gia đình luôn luôn khoẻ mạnh, vui vẻ và hạnh phúc.
Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2009
Thứ Năm, 3 tháng 9, 2009
LUNG LINH HỒ GƯƠM
Dòng người và xe cuồn cuộn đổ về, tràn khắp các nẻo đường xung quanh Hồ Gươm trông như một dòng sông ánh sáng!
Tháp Rùa cổ kính.
Cầu Thê Húc cong cong sáng rực trong ánh đèn như cây cầu dẫn vào cõi mơ!
Đền Ngọc Sơn lung linh huyền ảo.
Việc ai ... nấy làm!
Hoa đèn!
Mẹ Mướp đi bán khoai ở Hồ Gươm! :D