Thở nhẹ và mỉm cười, cuộc đời vô thường lắm, chẳng có gì là mãi mãi cả Người ơi!
Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012
Viết trước đêm Noel.
Thở nhẹ và mỉm cười, cuộc đời vô thường lắm, chẳng có gì là mãi mãi cả Người ơi!
Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012
Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012
Con Bấc !
đây là con Bấc
Ở nhà mình Cu Em đặc biệt yêu con Bấc. Đón Bấc về từ khi mới lọt lòng mẹ được 2 tuần, còn nhốt chú trong cái lồng chim thế mà sau đó chú lớn như thổi và chẳng có cái lồng nào vừa nữa, đành mua cái xích cổ xích chú ở góc cửa hành lang. Thừa hưởng được nét hào hoa của bố Tây Ban Nha và mẹ Việt lai F1, Bấc sở hữu vẻ đẹp trai với đôi tai dài, cặp mắt ướt và bộ lông nâu sẫm, óng mượt!.
Bấc rất thông minh và tình cảm. Ở nhà ai quý nó thế nào nó cũng yêu quý lại theo đúng cấp độ đó. Bố thì ôm ấp bế bồng cưng nựng nên đi đâu về đến cổng toà nhà thôi cu cậu cũng đã ngửi hơi thấy rồi quẫy đuôi rối rít và chồm lên cửa đón đợi.
Mẹ không yêu quý Bấc bằng nhưng là người chăm cho Bấc từng bữa ăn, tắm táp, dạy dỗ nên nó cũng rất mến tuy có phần hơi nể sợ một tý vì những lúc nào hư hay bị mẹ mắng. Mà mẹ cháu đúng là không có tay nuôi súc vật thật. Chiều Bấc từ bé nên bây giờ thức ăn của cậu là cơm trộn nước thịt và gan xay, thức ăn nhiều hơn cơm. Hễ hôm nào không đúng khẩu vị là nó khủng khỉnh không thèm ăn dù cho có đói mấy đi chăng nữa.
Bị mắng cậu chàng chạy ra một góc rồi thỉnh thoảng lại lấm lét nhìn trộm chủ. Thấy ánh mắt tội nghiệp như biết lỗi của Bấc, mẹ chàu phì cười thế là cậu chàng biết chủ hết giận chạy lại xun xoe liền.
Cu Anh lại không yêu Bấc, nhiều khi Bấc nghịch anh đá nó thật đau. Bấc oẳng một cái rồi len lén tránh ra một chỗ. Vì thế khi nào cu Anh đi về Bấc đón cu Anh có phần lạnh nhạt, dửng dưng, chỉ giương mắt nhìn chứ không vẫy đuôi gì cả!
Cu Em cực kỳ yêu quý Bấc. Có cái bánh, kẹo hay hoa quả gì cũng chia cùng Bấc nên nó mến và quấn Cu em như hai người bạn thân thiết. Hai đứa cùng chơi trò ném bóng, hò reo vang nhà.
Vì ở nhà tập thể tầng cao nên Bấc suốt ngày bị xích cổ và bị cuồng cẳng Khi nào được dẫn đi chơi nó chạy tung tăng nhẩy quẫng lên như quá khích vậy. Sau vài lần phải đi xin lỗi hàng xóm vì Bấc cắn doạ trẻ con hàng xóm, mẹ cháu đành phải ngậm ngùi cho Bấc đi lên một trang trại ở nhờ.
Từ đó đến nay đã được gần 4 năm rồi, không biết Cu Bấc bây giờ thế nào? Đang sống và ăn sung sướng thế giờ phải tranh đấu và hoà nhập với cuộc sống vất vả của chó đàn trên trang trại, liệu nó có trụ được không?
Bấc biết không, Anh Sơn ngày nào cũng nhắc đến Bấc đó, lại còn so sánh là Anh Sơn cùng giống Bấc ở cái tội lười và ở bẩn này, giống Bấc ở vẻ ngoài ...hơi đẹp trai này, cũng sành ăn giống nhau và cùng yêu mẹ nhiều nhiều này...
Hôm nay Cu Em mặc thử bộ đồng phục trường Amsterdam, cười toe và bảo :Mẹ ơi con đẹp trai giống Bấc chưa này làm mẹ lại nhớ và tưởng tượng như Bấc vẫn còn quanh đây!
New Amser !
Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012
Cu em vừa biết điểm thi Ams : Văn 9.25, Toán 9.25, Anh 9; Toán chuyên 7, Thế là cháu đỗ vào chuyên toán của cả 3 trường Ams, Tổng hợp và Sư phạm rồi. Sau khi cân nhắc và lựa chọn cu Em đã chọn vào truờng Amsterdam và bố mẹ cũng tôn trọng ý kiến của con. Cảm ơn cả nhà đã chia sẻ và động viên với mẹ con cháu !
Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012
NỘP VÀO, RÚT RA ???
Thế là sáng nay Cu em đã thi xong môn Toán chuyên vào lớp 10 của trường chuyên Amsterdam - Hà Nội. Kết quả rất khả quan vì cu cậu làm được gần như tuyệt đối các môn thi Toán, Văn, Anh điều kiện còn Toán chuyên thì dự kiến là được 8/10.
Như thế khả năng đỗ Ams của Cu em là chắc chắn rồi, nhưng bố mẹ và cả "đương sự" lại đang bị đau đầu vì phải cân nhắc xem nên chọn trường chuyên nào.
Cu cậu đã đỗ cả chuyên Toán Sư Phạm (đỗ 36.5 điểm, điểm chuẩn là 34) và chuyên toán Tổng Hợp (đỗ 44 điểm, điểm chuẩn là 42), nay đỗ thêm trường Amsterdam nữa, toàn là những trường danh tiếng và việc lựa chọn này cũng là bước ngoặt quan trọng của cu em nên cả nhà phân vân quá!
Mẹ cháu đã đi tìm hiểu thông tin trên mạng, hỏi các thầy cô giáo, phụ huynh và cả các bạn đã từng học ở các trường đó để tìm lời khuyên nhưng vẫn chưa có được quyết định cuối cùng.
Trường Tổng hợp yêu cầu thí sinh phải nộp hồ sơ nhập học trước ngày 30/6 mà thời gian đó trường Ams chưa biết điểm chính thức. Nếu nộp hồ sơ vào trường Tổng hợp rồi đỗ trường Ams liệu có rút được hồ sơ ra để nộp lại vào trường Ams được không? Không khéo cái sự nộp vào rút ra này mà không chuẩn là cậu bé lỡ cả hai trường, phải chuyển xuống học trường Trần Phú cũng nên!
Về chất lượng của Tổng hợp và Ams thì mỗi trường đều có một thế mạnh riêng mà các bố mẹ có con thi vào những trường này đều biết rõ hơn ai hết.
Các bạn học Tổng hợp chê các bạn học trường Ams là học chuyên kiểu "văn, thể, mỹ", còn các bạn học sinh trường Ams thì chê các bạn học Tổng hợp và Sư phạm là hội " nhà quê" !
Từ giờ đến 30/6, hạn cuối phải nộp hồ sơ vào Tổng hợp còn có 7 ngày nữa thôi, mẹ cháu đang phân vân quá. Các cô các bác cho mẹ con cháu lời khuyên với nhé. Xin cảm ơn cả nhà nhiều!
Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012
Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012
Thời gian trôi qua mau...
Việt Sơn tháng 5/2012
Thời gian trôi thật nhanh qua những tấm ảnh, mới ngày nào cu Em còn bé tí, chạy lon ton mà giờ đã cao 1.7m và nặng 70kg rồi. Cu cậu giờ đang được tôi luyện trong lò bát quái để thi vào lớp 10. Chỉ còn gần 1 tháng nữa thôi chạy nước rút nào Nghé non ơi!
Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012
Cho em và mùa hạ.
Hình như bên kia là mùa thu
Ngàn lá rụng mang theo lời tiễn biệt
Nơi ký ức hóa vầng trăng đẫm ướt
Con dế buồn rủ cỏ hát tình ca
Bên kia là năm tháng đi qua
Có gặp lại cũng vô tình ánh mắt
Bông hồng ấy cuối chân trời xa tít tắp
Dấu muộn phiền từng cánh mỏng manh rơi…
Bên kia là còn lại mình tôi
Mùa hạ và em xa vời ảo ảnh
Hoa cúc cháy trong nỗi niềm đa cảm
Thuở yêu em trong trắng vô ngần
Bên kia là còn lại dòng sông
Cánh buồm anh nửa đời đi không hết
Em xa quá, mùa thu thì chẳng biết
Có một người úp mặt khóc hòang hôn
Lẽ nào em không nhớ ? Lẽ nào quên
Giọt nước mắt đã tan thành hòai niệm
Thành muối mặn, thành vô tư sóng biển
Để vơi đầy năm tháng cũng vì nhau
Bên kia là còn lại nỗi đau
Khao khát ấy của một thời hoa phượng
Lẽ nào em, lẽ nào tôi hoang tưởng ?
Lá vàng rơi tiếc nuối giữa tay người
Bên kia là day dứt khôn nguôi
Đồng vọng mãi lời chia ly thầm lặng
Phải mùa hạ dâng hết mình cho nắng
Nên mùa thu chớm lạnh đã se lòng ?
Thì đừng buồn gió cuốn, mưa giăng
Bong bóng vỡ theo về nguồn cội
Ngắt nhành phù dung ngồi đếm tuổi
Thấy trong hư vô khuôn mặt của mình
Thì ta quay về tìm lại dòng sông
Tìm lại xác thân phiêu bồng một thuở
Để thấp thóang em hiện về đâu đó
Mùa hạ ấy xa như có thật trong đời ./.
Từ Dạ Thảo
Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012
Bạn của dân!
(hình sưu tầm trên net)
Hôm nay trong lúc chờ đèn đỏ ở lối lên đê Chương Dương vì chờ ở đoạn dưới khuất nên tôi không nhìn thấy đồng hồ đếm thời gian ở cột đèn đỏ. Đến lúc thấy khoảng 6,7 người phóng lên trước, tôi mới dám đi theo. Ai dè một chú công an mặt còn trẻ vẫy tôi lại và yêu cầu dừng xe. Sau khi chào hỏi xong anh ta bảo : Chị đi vượt đèn đỏ, cho xin giấy tờ xe.
Tôi vội vàng thanh minh : Là do tôi thấy mọi người bắt đầu đi thì tôi mới đi theo chứ, sao anh không giữ lại 6,7 người đi đằng trước tôi mà lại giữ tôi lại?
Chú công an giải thích: Chị đi sai rồi, bắt được ai thì người ấy phải chịu. Công an không phải là có ba đầu sáu tay!
Nói rồi anh ta gọi thêm một đồng đội nữa ra. Sau khi kiểm tra họ kết luận tôi quên mang giấy tờ xe, vượt đèn đỏ, xe không có gương... phải giữ xe 3 ngày và nộp phạt theo điều x,y,z gì đó lên tới gần 1 triệu đồng!
Thấy họ làm căng tôi đành xin cho được nới mức phạt vì đó chỉ là do vô ý chứ không cố tình vi phạm luật giao thông. Thế là một cuộc mặc cả diễn ra, cuối cùng thì mức phạt là 150K nhưng biên lai ghi phạt chỉ là 50K!
Trở về nhà an toàn và ghi lại trung thực câu chuyện này tôi chẳng muốn bình luận gì thêm! Thế mà xem trên phim ảnh sao mà ngưỡng mộ các anh công an thế!!!
Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012
...Bình thường đến mức phi thường...
Gia đình Tâm vững chãi dưới gốc cây nhãn
Nụ cười hoan hỉ, rạng rỡ của các bạn trẻ trong gia đình Tâm vững chãi.
Đây là cảm nhận của một bạn sinh viên ĐH Ngoại thương cùng tham gia tu tập trong gia đình tâm linh "Tâm vững trãi" của mình. Chia sẻ cùng cả nhà.
Kỳ nghỉ lễ của Hà Móm
Posted by Hà Móm
Thế là sau 6 tháng và qua 2 lần bị nhỡ cuối cùng cũng đã thực hiện được 1 điều ấp ủ từ lâu: Dự 1 khóa tu ở chùa. Nói theo chữ của nhà chùa thì thật là “hoan hỷ” : )))).
Lúc đầu bạn HM phân vân giữa 2 hướng: đi Thiền viện Trúc Lâm ở Tây Thiên hoặc Yên Tử thì mát mẻ, trên núi cao nhưng mất hơn 1 tuần còn đi chùa Đình Quán ở ngoại thành Hà Nội thì chỉ mất có 4 ngày, không phải nghỉ làm. Và vì nói chung là bạn Hà vẫn còn tham, sân, si lắm = ))) nên là tham công tiếc việc và quyết định đi Đình Quán : ))).
Những tò mò về Phật giáo bắt nguồn từ việc có rất nhiều người mình ngưỡng mộ, các anh chị lớn đi trước am hiểu và sùng tín Phật giáo. Anh Vương Vũ Thắng FYT K1 (giờ đang là Phó Tổng VC Corp) kể về chuyện anh đến với cửa chùa sau 3 lần phá sản như thế nào và rồi đã gặp người mà bây giờ là vợ anh ở đó ^^. GS Ngô Bảo Châu cũng rất hay nói/viết về Phật. Hẳn phải có 1 cái gì đó khác biệt ở đây. Nhiều hơn là 1 tôn giáo, nơi mà mình nghĩ đơn thuần là cung cấp cho người ta một điểm tựa niềm tin trong mọi trường hợp, nhất là khi niềm tin vào những điều xung quanh và niềm tin vào bản thân đổ vỡ, mọi người hay nói về Phật như là một môn học (mà có sự kết hợp giữa Triết học, Tâm lý học, Văn học, LỊch sử, Toán học…) với những lý thuyết, ứng dụng và phương pháp học tập riêng. Mà học cái mới thì bao giờ chả khiến người ta bị thôi thúc, hấp dẫn .
Khóa tu với chủ đề khá “thức thời” : ))) – “Tâm bình thế giới bình” – và được thiết kế cực kỳ khoa học, khoa học gấp mấy lần Thời khóa biểu Ngoại Thương : ))). Chủ yếu là các thiền sinh được dạy về thiền – thiền tọa (thiền ngồi), thiền hành (thiền đi), thiền ăn, thiền lạy, thiền buông thư (thiền nằm), thiền trà… (Riêng có thiền ôm thì không được các sư thầy, sư cô hướng dẫn cụ thể, về nhà tự đọc sách : ))).) Buổi sáng có giờ Pháp thoại 1 tiếng (như kiểu Lecture ấy) trong 1 thiền đường lớn hơn 200 người, buổi chiều có giờ Pháp đàm 2 tiếng (như kiểu Tutor ấy =))))) tại các Gia đình nhỏ, mỗi Gia đình tầm 20-30 người do 1 sư thầy/sư cô phụ trách để chia sẻ về những điều thầy dạy buổi sáng hay bất cứ điều gì, bất cứ cảm xúc gì mọi người gặp trong khóa tu. Xen kẽ là các hoạt động vui chơi thể thao, tập hát thiền ca, chấp tác (lao động giúp nhà chùa) theo nhiệm vụ từng Gia đình. Bạn Hà ở Gia đình Tâm Vững Chãi làm nhiệm vụ Hành đường (sắp xếp đồ ăn thức uống và đồ rửa bát tại khu vực khất thực) cho cả khóa tu ngày 3 bữa, số lượng thay đổi tùy ngày nhưng dao động vào khoảng 200-300 người. Nói chung thì được đứng cạnh đồ ăn nhiều cũng thích =)))), nhưng thường thì nhà Vững Chãi lấy đồ ăn sau cùng và nghỉ sau cùng vì còn phải dọn dẹp, đến khi các nhà chia tay chia chân chụp ảnh lưu niệm rồi mà Vững Chãi vẫn còn bận đi đổ nước : ))))). Một ngày kết thúc lúc 9 rưỡi và mọi người phải dậy lúc 4 giờ để tụng kinh niệm Phật với các thầy, trong ngày thiền sinh ăn trong yên lặng, tắm trong xếp hàng : ))) và ở tập thể tại một sảnh lớn. Một điều đặc biệt là dù đủ mọi “giai tầng” : ))) nhưng có đến 70% thiền sinh là thanh niên sinh viên, nhất là lứa tuổi 20-25. Khóa tu lần này còn có một may mắn nữa là thiền sinh được chứng kiến nhiều sự kiện sinh hoạt của nhà chùa như Lễ quy y (hiểu nôm na là trở thành Phật tử về nương tựa cửa Phật, thọ trì năm giới – nói ngắn gọn là Không sát sinh, Không trộm cướp, Không tà dâm, Không nói dối, Không dùng chất gây nghiện), Lễ mừng Phật đản (chuỗi các hoạt động mừng ngày Bụt ra đời), Lễ hằng thuận (lễ cưới ở chùa, một điểm đặc biệt của Phật giáo Việt Nam). Có nhiều điều thú vị như một chuyến du lịch văn hóa 4 ngày vậy, như thể bước vào và bước ra cửa chùa là hai thế giới thật khác.
Nhưng quan trọng hơn cả, khi đi học thì người ta sẽ quan tâm nhất bạn học được gì. Phật pháp các thầy cô dạy không phải là thứ dễ để hiểu được ngay, ngay cả khi hiểu rồi cũng không hẳn dễ để tin, ngay cả khi tin rồi cũng không chắc là dễ áp dụng. Các thầy cô dạy nhiều điều nhưng hai điều đọng lại nhiều nhất là Hãy tập nắm giữ hơi thở của mình và Hãy trân quý từng phút giây hiện tại. Với phương pháp “Lấy người học làm trung tâm” : )))), không nhằm “nhồi sọ” hay áp đặt điều gì, chỉ đơn giản là các thầy truyền dạy như người trước chia sẻ kinh nghiệm với người sau, rằng có những điều như thế, thầy và những người khác đã áp dụng và đã có hiệu quả như thế nào. Cũng cần nói thêm rằng chủ yếu các buổi giảng pháp do sư thầy trong Tu viện Từ Hiếu ở Huế lên lớp, thuộc pháp môn Làng Mai của sư thầy Thích Nhất Hạnh (có quá nhiều điều để biết khi google về con người này) nên ngoài những điều chung ở Phật còn có những điểm riêng của thầy Thích Nhất Hạnh. Và quả thực trước đây khi đọc vài quyển sách của thầy, thực sự rất khó để cảm, để thấu những lời dạy qua con chữ đó, nhưng được sống, được thở trong môi trường ấy thì thực sự khác biệt.
Một điều tình cờ là trong suốt khóa tu mọi người được học khá nhiều về tình yêu, hôn nhân và gia đình : ))) qua những cách khác nhau: khi được nghe các bạn Phật tử đã quy y chia sẻ về năm giới, khi thầy giảng về từ, bi, hỉ, xả và đặc biệt là trong Lễ hằng thuận vào ngày cuối cùng của khóa tu, một đám cưới xúc động và có ý nghĩa nhất mà mỗi người từng dự. Nghe anh chị đọc lời nhắn gửi cho nhau mà xung quanh mấy trăm người không quen biết đều cảm phục và thành tâm chúc phúc hai anh chị, mọi người còn làm thơ, tặng quà, hát tặng nữa. Và cả người chúc và người được chúc đều hạnh phúc lắm. Riêng nhà Vững Chãi còn có 1 buổi Pháp đàm mà tình cờ làm sao lại xoay quanh chủ đề Ngoại tình. Có 20 người mà có tới hơn 4 người đau khổ ở nhiều vị trí khác nhau: người vợ bị phản bội, người con bị bố lừa dối, người con riêng bị ghẻ lạnh.. Không muốn cung cấp ra các con số thống kê về tỷ lệ ngoại tình dễ khiến các bạn gái lo lắng : ))), chỉ thấy rằng còn nhiều lắm người khổ hơn mình (Thực ra thì mọi người đến với khóa tu chỉ có 1 số nhỏ 10-15% là do có sẵn phiền muộn trong lòng, còn phần lớn là vì mong muốn tu tập, được bạn bè giới thiệu và một phần cũng rất lớn chỉ là vì không có chỗ nào để đi vào dịp nghỉ lễ = )).), và rằng quan trọng không phải chuyện xảy đến mà là cách mình ứng xử với nó như thế nào, và như sư thầy dặn dò anh chị trong lễ cưới: hôn nhân là sự cam kết lâu dài, các con phải hội tụ cả 4 điều – hiểu, thương, tin cậy và kiên nhẫn.
Nhưng thứ “lợi lạc”, tăng trưởng nhiều nhất sau khóa tu là Niềm tin. Không phải niềm tin vào một tôn giáo với những nhân vật, câu chuyện, hệ thống luân lý bất định mà là niềm tin vào những người xung quanh, niềm tin vào những điều tốt đẹp hiện hữu, niềm tin rằng khi bạn trao yêu thương bạn chắc chắn sẽ nhận lại yêu thương. Với 1 người cởi mở bẩm sinh như bạn Hà : ))) thì việc mở lòng với người khác là niềm vui thích và khao khát, nhưng có rất nhiều người khác lại thấy thật khó khăn. Giáo lý thầy dạy chưa biết có phù hợp không, nếp sống trong chùa rồi có thể sẽ bị đảo lộn khi trở lại cuộc sống thường ngày nhưng tình thương của những sư thầy sư cô là điều bình thường đến phi thường, khiến những rào chắn của người ta dù cứng rắn nặng nề mấy cũng có thể hạ xuống được. Suốt hơn 2 tiếng thiền trà tổng kết khóa tu mà mọi người cứ tranh nhau mic chỉ để nói về mọi người đã tìm ra câu trả lời cho các vấn đề của mình như thế nào, mọi người chuyển hóa, thay đổi ra sao, từ các cụ già đến các bác trung niên, các anh chị U30, các bạn thanh niên và cả các em thiếu nhi cấp 2. Những lời hay ý đẹp, những chân, thiện, mỹ nhiều lúc xa xỉ với cuộc sống mưu sinh quá, nhưng thế không có nghĩa là nó không tồn tại. Khi đã tận mắt nhìn thấy, nghe thấy, chạm thấy, cảm thấy, nó không còn là thứ sáo rỗng nữa, và bạn tin. Nhiều khi bạn cần phải tin vào một thứ gì đó nếu không bạn có thể sẽ bị ngã vì bất cứ thứ gì, đặc biệt là khi bạn kết thúc cuộc đời sinh viên và bước vào những trang mới đầy hấp dẫn nhưng cũng đầy rủi ro, cái mà người ta hay gọi là “đời”. Và tớ cũng đồng tình với Hương lắm Hương ạ, thật củ chuối là đi tu mà cũng gặp người quen : )))).
Thật ra thì bạn Hà tìm đến khóa tu với mục đích khá thực dụng, hy vọng tìm kiếm các công cụ, bài học giúp ích cho cuộc sống thường ngày, nhưng những điều nhận lại nhiều hơn và tuyệt vời hơn kỳ vọng rất nhiều. Và to-do list trước khi tốt nghiệp vào tháng 6 chỉ còn 1 mục nữa thôi, thật là hoan hỷ quá đi .
P/S: cô chưa kịp liên hệ để xin bản quyền của Hà, sorry nhé, thiện tai, thiện tai! :DThứ Ba, 1 tháng 5, 2012
Niềm vui nhân đôi, nỗi buồn sẻ nửa ???
Tôi vừa tham gia khoá tu thiền 4 ngày “TÂM BÌNH, THẾ GIỚI BÌNH” tại chùa Đình Quán, Từ Liêm, Hà Nội trong 4 ngày nghỉ lễ.
Kết thúc khoá tu, cảm xúc đong đầy, muốn nói rất nhiều nhưng tôi chỉ viết ra một trong những điều tôi được vỡ ra đây để cả nhà cùng chia sẻ.
Trước kia, khi lên Chùa tôi chỉ nghĩ đơn giản là thành tâm cầu Phật mong được sức khoẻ, bình an, may mắn cho gia đình và bản thân mà không biết rằng Đức Phật là một đức thế tôn anh minh, là một nhà tư tưởng chứ không phải là một vị thần. Người chỉ đưa đường, chỉ lối cho chúng sinh thoát khỏi cõi mê, nhận diện được khổ đau trong cuộc đời và chỉ ra con đường sáng để chuyển hoá những niềm đau nỗi khổ đó chứ Ngài không thể ban phép thần giúp ta đạt được những điều ước muốn nếu ta chỉ cầu xin mà không chịu tự thân vận động, tu tập để tự chuyển hoá mình.
Để sống được an vui trong hiện tại ta phải biết cách tu tập, chế ngự được những tật xấu tham sân si, nuôi dưỡng những hạt giống tốt từ bi, tha thứ, thương yêu, thấu hiểu và cảm thông... như thế ta sẽ chuyển hoá được những đau khổ của ta trong quá khứ, tìm được niềm an vui trong hiện tại và đặt những viên gạch vững chắc cho tương lai tốt lành. Và để làm được như thế đòi hỏi phải thật nhiều tập luyện và cố gắng.
Tôi lại ngỡ ngàng lần nữa khi được nghe Thầy giảng ở giờ Pháp đàm rằng : Người ta vẫn nói sự chia sẻ làm niềm vui nhân đôi, nỗi buồn sẻ nửa. Nhưng điều đó là không đúng???
Thượng toạ giải thích rằng cảm xúc có sự lan toả kể cả cảm xúc xấu và tốt. Cũng như một bệnh dịch vậy, khi ta muốn dập tắt được nó thì phải khoanh vùng chữa trị thì mới chữa được chứ để nó lan toả ra rồi thì chữa thực khó. Nỗi đau khổ cũng vậy, khi ta chia sẻ ta sẽ gây tiếp sự khó chịu, đau khổ khác cho người nghe, chưa kể nếu người nghe không thông cảm, kích động hoặc đổ thêm dầu vào lửa thì ngọn lửa tai hoạ sẽ khó mà dập tắt. Như thế rõ ràng là không có nỗi buồn sẻ nửa được rồi.
Vậy chả nhẽ ta lại ôm nỗi đau khổ một mình mà không giải thoát được? Có nhu cầu chia sẻ nhưng phải sẻ chia được với những người thấu hiểu và cảm thông, những chuyên gia tâm lý giỏi và phải tu tập để chế ngự và vượt lên được những cảm xúc ấy thì lúc ấy nỗi buồn sẽ sẻ hết chứ không phải là chỉ sẻ một nửa đâu!
Những ngày học tập tại chùa Đình Quán, tôi đã trải nghiệm qua thật nhiều cảm xúc.
Từ sự hân hoan khi vỡ ra và tiếp nhận được với những Pháp diệu của đạo Phật đến lòng thương yêu và thân ái của các bạn cùng khoá tu. Từ sự trắc ẩn và cảm thông đối với những người bạn có hoàn cảnh đáng thương đến những giọt mồ hôi nhễ nhãi trong những buổi cùng chung tay làm việc trong khoá lễ, từ những tràng cười chảy nước mắt trong đêm văn nghệ cho đến những niềm an vui tìm được trong những buổi tập thiền...
Vài lời mộc mạc và lộn xộn, chúc các bạn cũng sớm tìm được những niềm an vui trong lành trong cuộc đời này nhé!
Nam mô a di đà Phật!
Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012
Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012
Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012
Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012
Giặc chuột!
Tết vừa rồi nhà cháu bị nạn chuột hoành hành quá thể! Vừa tức vừa ghét cay ghét đắng nhưng cũng lại thấy "nể" vì những mưu mô của chúng!
Đầu tiên là chúng công phá mâm ngũ quả trên bàn thờ : Nho tây, táo tây chúng xơi tuốt. Vừa sắp được mâm ngũ quả ưng ý bày lên ban thờ chuẩn bị Tất niên, sáng ra mẹ cháu đã thấy nham nhở vết răng chuột, tức quá! Thế là lại phải đi mua hoa quả mới thay thế (May là chưa kịp thắp hương, mong các cụ đại xá cho!)
Cặp bánh chưng xanh cúng cũng không thoát khỏi, để lên ban thờ hôm trước, hôm sau Ngài Tý xơi ngon lành một góc. Thay cặp bánh chưng mới, hôm sau nữa lại cũng bị khoét góc tiếp!
Cu Anh tha về cái bẫy chuột, mồi thịt thơm lừng rồi cả đêm cả nhà hồi hộp xem kết quả hy vọng sẽ trả thù được lũ phá hoại. Ai dè hôm sau, hôm sau nữa miếng thịt vẫn nguyên xi và bọn giặc vẫn điên cuồng phá tiếp.
Sáng mùng 2 Tết, mẹ cháu dạy sớm bật bếp ga, thì không có lửa. Loay hoay mãi cuối cùng phải gọi thợ kỹ thuật đến. Hoá ra bọn Chuột cắn đứt dây bếp ga. Nối dây xong, ngọn lửa hồng ấm áp lại trở về!
Cả nhà ra sức dọn dẹp, cất kỹ đồ ăn đồ uống, bánh trưng treo cao... chắc mẩm lũ khốn này chẳng còn gì mà phá được nữa. Ai dè sức tàn phá của bọn này thật quá kinh ngạc và bọn chúng cũng thật quá mưu mô : Chúng cắn đứt dây treo bánh trưng để bánh rơi xuống sàn rồi ung dung gặm! Sữa hộp để trên bàn chúng cắn thủng vỏ, sữa chảy lênh láng ra sàn. Choáng!
Đến khi không còn gì có thể ăn hại được thì chúng nhảy lên bàn thờ gặm hoa cúc và làm đổ vỡ cả lọ hoa, nước chảy lênh láng!
Vốn dĩ sợ Chuột nhất trên đời, mẹ cháu cực kỳ bức xúc tính mọi cách để diệt trừ. Cuối cùng phát hiện bọn nó vào được nhà qua cánh cửa sổ mở ban đêm. Từ đó các loại cửa được đóng kín trước khi đi ngủ. May mắn làm sao chúng không vào được nữa và khoảng nửa tháng nay nhà cháu được sống bình yên!
Qua được nạn rồi trút ấm ức lên blog, các bạn nào tuổi Tý có đọc thì đừng tự ái nhé, hehehe!
Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012
Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012
Tết Tết Tết Tết đến rồi...
Tết này nhà cháu có hoa Đà Lạt 100% nhé!
Thế là chỉ còn 1 ngày nữa là bước sang năm mới Nhâm Thìn, Xuân đã đến rất gần, rộn ràng và náo nức. Mọi việc chuẩn bị Tết đã gần xong, thay vì tất bật việc nọ việc kia mẹ cháu tự cho phép mình thong dong nghỉ ngơi, ngồi gõ vài dòng điểm lại cả năm qua của gia đình trước thềm Xuân:
Một năm qua, vất vả cũng nhiều, khó khăn cũng lắm nhưng càng vì thế những nỗ lực đạt được kết quả càng đáng trân trọng và tự hào.
Cu Anh đã vượt hẳn lên về độ chín chắn và chững chạc, luôn luôn là bờ vai vững chắc của mẹ và em. Thành tích đáng nể của cu cậu là thi IELTS được 7.5 và xếp hạng học tập đứng thứ 20/2055 của trường Đại học Xây dựng. Chỉ có mỗi một điều ước của cu cậu là mãi mà chẳng tìm được người yêu :D
Cu Em cũng gặt được vụ mùa bội thu với giải bạc cuộc thi Toán Olympic toán tuổi thơ toàn quốc và là 1 trong 10 công dân ưu tú được trao giải người tốt việc tốt của Quận Hoàn Kiếm, HN trong năm 2011.
Mẹ cháu ngoài lo chuyện nhà cửa, mưu sinh, chăm dạy con cái thì chẳng có thành tích gì. Điều ý nghĩa nhất mà mẹ cháu thấy tâm đắc là đã theo được một phần nào những điều cao quý của đạo Phật để sửa mình ngày càng hoàn thiện hơn lên.
Năm mới hy vọng cả nhà sẽ cố gắng nhiều hơn và có được nhiều thành công mới.
Ngoài kia mưa Xuân đang lất phất rơi, mưa tháng giêng làm mình lại nhớ tới những giai điệu da diết "tháng giêng ngày mỏng quá/nỗi buồn nghe cũ rồi".
Chúc các bạn thân yêu đón năm mới với sức khoẻ, thành công, hạnh phúc và tràn đầy niềm vui nhé!
Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012
Gạn đục khơi trong!
Khoá tu thật sự đã đem lại cho tôi những trải nghiệm quý báu, những phút giây hạnh phúc, bình an và nhất là tôi cảm nhận được có một phần năng lượng tiềm ẩn nào đó trong mình đã được khơi thông và chuyển hoá theo hướng tích cực đúng như tên của khoá thiền “KHAI THÔNG SUỐI NGUỒN”.
Khỏi phải nói về những điều nghiêm ngặt phải thực hiện trong khoá tu như ăn chay hoàn toàn trong 4 ngày, ngủ giường gỗ đông người (không đủ chỗ để nằm ngửa, phải nằm nghiêng!), dậy từ 4 giờ sáng để tập lao động, thể dục, học thiền và các giáo lý từ bi của đạo Phật… tôi thấy mình đã thực hiện được những điều đó không khó khăn lắm.
Tuy vậy có những điều mà chỉ vào đây tôi mới thấy xúc động vì được tiếp xúc mới những tấm lòng đẹp và một môi trường tràn đầy tình yêu thương giữa mọi người.
Khép lại trong cánh cửa chùa là một cuộc sống thật là thiện tâm, an lành, không có lừa dối, tham lam, độc ác, không có tham sân si. Mọi người sống với nhau yêu thương và chia sẻ, nghiêm túc và tự giác, cảm thông và giúp đỡ, kiên nhẫn và chăm chỉ với những nụ cười luôn nở trên môi. Nếu những hạt mầm nhân ái như thế được nhân lên trong cộng đồng hàng ngày thì cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp biết bao.
Thấy hai chị nấu bếp hì hụi chuẩn bị các món ăn chay cho khoá lễ đến tận gần 11 giờ tối, tay nhúng nước lạnh buốt. Các chị làm công đức cho nhà chùa không lấy một chút thù lao nào, hoặc thấy một bác đã ngoài 70 tuổi còn đem tiếng đàn của mình đi biểu diễn lấy tiền làm từ thiện, bác sống thực sự có ích và đem lại niềm vui cho cộng đồng tôi lại càng cảm thấy xấu hổ vì những tính xấu mà mình còn mang nặng trong tâm.
Tôi thật tâm đắc với những lời giảng của các sư thầy, sư cô về những điều tưởng đơn giản trong cuộc đời mà mình lại chưa thực hiện được.
Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương - Điều chỉnh nhận thức - Trái tim đã nở như một đóa hoa
“Bạn có hạt giống của lòng xót thương ấy chôn sâu trong lòng mà bạn cứ nghĩ là bạn không thể tha thứ được, không thể chấp nhận được, không thể thương yêu được, bởi vì bạn nghĩ người kia đã nói đã làm những điều đã làm tan nát hết. Nhưng nếu nhìn kỹ lại (trong đạo Bụt gọi là quán chiếu) bạn sẽ thấy sở dĩ người kia đã làm và đã nói như thế tại vì người kia có quá nhiều khổ đau bực dọc trong tâm mà không biết cách quản lý và chuyển hóa được cho nên người ấy đã làm vung vãi khổ đau của người ấy ra chung quanh và nhất là trên bạn. Bạn đừng tưởng chỉ có bạn mới là nạn nhân, là người nhận hết thương tích. Người kia sau khi đã nói, đã làm như thế cũng trở thành nạn nhân như bạn, cũng đã mang thêm vào người nhiều thương tích như bạn. Thấy được sự thật là người ấy đang khổ và đang không có lối thoát cho nên bạn cảm thấy lòng xót thương nơi bạn bắt đầu trào dâng. Đó là hạt giống của từ bi nơi bạn đang được tưới tẩm và đang phát hiện thành năng lượng. Và tự nhiên bạn thấy có khả năng tha thứ, chấp nhận và thương yêu. Bạn muốn người ấy nói ra được nỗi lòng để cho người ấy bớt khổ. Đó là ý tốt, đó là tâm thương yêu, đó là nguyện lành. Bạn đang trở thành vị Bồ tát Quan Thế Âm, hạt giống của tình thương chôn vùi trong tâm thức bạn, đã được tưới tẩm bởi sự quán chiếu, và đang trở thành năng lượng giúp bạn có thể lắng nghe người kia với lòng xót thương. Nếu bạn có thể nói ra được những lời tự tận đáy lòng mình trái tim của người thân của bạn sẽ mở ra…”
Kết thúc khoá thiền, trong không khí trang trọng nhưng ấm áp của buổi Thiền trà, mọi người nhất là các bạn trẻ đều muốn chia sẻ niềm biết ơn đối với những điều đã được học, được khai tâm được chuyển hoá.
Ngoài trời những hạt mưa bụi lất phất rơi làm ẩm mềm mặt đất để cho những hạt mầm tốt lành sớm nở thành hoa đẹp, trong thiền đường những gương mặt hoan hỉ của đại chúng cũng minh chứng cho những trí tuệ cao minh của nhà Phật đang được gieo mầm và nở hoa trong lòng người!