Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Vô thường!


Lộc đã lên xanh từ cành khô
Ánh sáng thoát thai từ đêm tối
Đen trắng đổi trao nhau rất vội
Giá lạnh đông tàn, xuân mở hội.

Khi mùa đông tới, những chiếc lá rụng hết, thân cây chỉ trơ lại những cành khô xám xịt. Nhìn một cây khô ta nghĩ có lẽ cây đã chết hoặc sẽ chết. Nhưng không! Khi những ngày đông buốt giá đi qua, cũng là lúc cánh én mang tia nắng trở về thì từ những cành khô kia nứt vỏ và bao nhiêu là chồi non mở mắt ngơ ngác đâm cành.

Trong cuộc đời, ai cũng có những ngày buồn đi ngang qua hồn mình. Khi khổ đau tới ta hoang mang, chán ngán, âu lo. Ta cứ tự hỏi đến bao giờ ta mới thoát ra khỏi chuỗi ngày chán chường này? Lại có lúc tuyệt vọng, ta ngỡ rằng bóng đêm dày đặc quá, ta không tài nào thoát ra nổi. Nhưng bạn biết không? Trong khoảnh khắc tối tăm nhất của bóng đêm là lúc ánh sáng đang chuyển mình để sinh ra. Và khi ánh sáng lên tới đỉnh điểm cũng là lúc nó phải nhạt dần để nhường lối cho đêm tối trở về. Trong ánh sáng có bóng đêm và trong bóng đêm có ánh sáng, chúng cứ luân phiên nhau lên ngôi. Hạnh phúc và khổ đau cũng vậy, chúng liên tục đổi trao nhau. Chúng vô thường!

Khi biết rằng hạnh phúc mà ta đang có rồi sẽ qua đi nên ta thêm trân quý hạnh phúc đang có nhờ vậy mà hạnh phúc sẽ bền hơn, lớn hơn. Khi biết rằng khổ đau mà ta chịu đựng sẽ đi qua nên ta trầm tĩnh và bình thản trước khổ đau, nhờ vậy mà khổ đau trong ta nhỏ lại và ngắn dần.

Tu tập là một quá trình nhận diện, quán chiếu để làm lớn thêm hạnh phúc và làm nhỏ dần những khổ đau. Một trong những cánh cửa để đi vào giải thoát là Vô Thường. Khi phá tung được cánh cửa vô thường thì ta đạt tới tự do.






12 nhận xét:

  1. Khi ta ngộ được kiếp nhân sinh thì ta sẽ tĩnh tại mà đi qua cuộc đời của mình.

    Trả lờiXóa
  2. Biết là vậy nhưng con đường đi đến dích, quá trình tu tập còn phải khổ luyện và gian nan lắm chị à

    Trả lờiXóa
  3. Bĩ cực - Thái lai, Mới - Cũ, Không có đi cũng chẳng có về, Đáo - Lai, Buồn - Vui,...chỉ là thực tại bị chia cắt thành những khái niệm. Chỉ cần khởi tâm trí tuệ thì bỗng dưng được con mắt sáng (tuệ nhãn) mà nhìn, mà nghe, mà cảm nhận cái thi vị của cuộc đời sau những tột cùng vô biên của sự phân chia tách bạch.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nội công của "tiến sĩ liên thông" - NanoBobi (đấy là bác tự nhận đấy nhá) càng ngày càng giỏi nên bác nhìn vào thực tại dưới con mắt của một thiền sư rồi! hehehe

      Biết bao giờ em mới tu tập đủ tinh tấn để "bỗng dưng được con mắt sáng mà nhìn..."

      Xóa
  4. "Đào hoa y cựu tiếu đông phong"...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. không biết bác Ruchung viết câu này theo ý của Thôi Hộ hay là theo ý của Nguyễn Du. Theo cổ nhân, cảnh vật vẫn y nguyên nhưng người đâu chẳng thấy còn ở đây người vẫn thế mà cảnh thì đã khác xưa rồi !

      Xóa
    2. "Đào hoa y cựu tiếu đông phong"
      Cảnh đã khác xưa người thì không (!)
      Xưa ý Nguyễn Du và Thôi Hộ,
      Nhưng nay là ý bác Ru-chung.

      Hề hề...

      Xóa
    3. Bao hàm thật súc tích trong 4 câu thơ, bác Nano giỏi quá!

      Xóa
  5. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  6. 1- Vô thường 無 常, trong đó vô là không, thường là cố định, luôn luôn như cũ, không thay đổi. Vô thường nôm na là không có sự cố định, mà sự vật luôn luôn thay đổi. Nhà Phật tính ra trong một ngày thân xác ta... đổi thay, thay đổi, tức chết đi sống lại tới 6.400.099.980 lần. Vô thường thể hiện qua sinh thành hoại diệt. Với con người thì cả 4 công đoạn đó đều khổ, Vậy vô thường là nguồn gốc của khổ.
    2- Giải thoát 解 脫, trong đó giải là tiêu trừ, làm cho hết, thoát là cời bỏ. Trong Phật giáo giải thoát là thoát ra khỏi ảo tưởng và sự khổ. Thoát khỏi sự tái sinh trong luân hồi và đạt Niết bàn. Như vậy muốn giải thoát thì phải nhận thức được tứ diệu đế (khổ, tập diệt, đạo) tiếp theo phải tu tập luyện rèn đi theo bát chính đạo (chính kiến, tính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tiến, chính niệm, chính định)
    3- Qua lý giải hai khái niệm vô thường và giải thoát thì vô thường là quy luật tất yếu, quy luật khách quan, còn giải thoát là một quá trình nhận thức và tu tập, luyện rèn.
    4- Nếu nói “cánh cửa đi vào giải thoát là vô thường” sẽ thiếu mấy tố con người, mà phải nói CÁNH CỬA ĐI VÀO GIẢI THOÁT LÀ NHẬN THỨC ĐƯỢC QUY LUẬT VÔ THƯỜNG
    Có thể bu tui can tội trứng khôn hơn vịt chủ nhà thể tất cho

    Trả lờiXóa
  7. Khi hiểu được mọi thứ chỉ là vô thường, chẳng có gì là mãi mãi, tự cởi bỏ được những trói buộc tham sân si thì đó là một cách giải thoát kỳ diệu nhất. Bài này là của Sư cô Lĩnh Nghiêm em đem về đọc để tự nhắc mình. Ý của sư cô đúng với ý của bác Bu nhưng chắc sư cô viết chưa rõ nghĩa đấy thôi. Cảm ơn bác Bu đã đọc và góp ý thật cẩn thận!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu nói “cánh cửa đi vào giải thoát là vô thường” sẽ thiếu mất yếu tố con người, mà phải nói CÁNH CỬA ĐI VÀO GIẢI THOÁT LÀ NHẬN THỨC ĐƯỢC QUY LUẬT VÔ THƯỜNG (bu đính chính lại)
      Sư cô nói quá vắn tắt làm người nhập môn đạo Phật khó hiểu chăng

      Xóa

Bước chân ai vừa ngang qua..

Flag Counter