Thứ Ba, 26 tháng 5, 2009

TIẾNG QUÊ.

 

Đi chợ buổi sớm rất nhiều điều thú vị như mình đã từng kể với các bạn trong entry trước.  Chợ sớm họp ở Hà Nội nhưng đa phần những người bán hàng đều là các bà các chị nông dân, tranh thủ lúc nông nhàn, đi chợ bán chút nông sản vườn nhà để kiếm thêm chút thu nhập cho gia đình. Ngoài những thứ rau quả, thực phẩm tươi ngon, họ còn mang theo những lời nói phong cách đặc trưng của địa phương mà mình xin được gọi mộc mạc là tiếng Quê.

Chắc là do nếp nghĩ từ lâu đời ăn sâu vào tiềm thức rằng những người nông dân chỉ là những kiếp người nhỏ bé, luôn phải chịu thua thiệt nên họ cứ quen xưng hô một cách nhún mình với mọi người xung quanh. Họ thường dùng đại từ nhân xưng như  con, em, hoặc nhà cháu, nhà em... để gọi cả những người ít hơn tuổi mình là chị, là anh. "Cô mua mở hàng đi, rau sạch con hái ở vườn nhà đấy".

Nghĩ là một gánh hàng rau cực nhọc thế mà chẳng lãi được bao nhiêu nên khi đi mua rau mình không bao giờ dám mặc cả, chỉ thỉnh thoảng hỏi khéo khi mua thịt, mua cá của những người lạ thôi.

Đáp lại câu hỏi :" Này chị ơi có cân đủ không đấy, một cân ăn mấy lạng?" là câu "chiết ní"  từ cô hàng cá :"Người là quý chứ nhà cháu chả bao giờ tham vàng bỏ ngãi. Cân ăn gian thì chồng con được hưởng còn tội thì nhà cháu phải chịu đấy cô ạ!" Bạn bảo nghe thế thì còn ai không dám tin!

Khi người mua và người bán đã "kết" nhau rồi, mọi chuyện diễn ra thật nhẹ nhàng, vui vẻ.

Còn nhớ có một hôm mình đi mua dứa. Hôm ấy cô hàng dứa đang rất đông khách mà ai cũng muốn nhờ cô gọt dứa hộ để về nhà đỡ phải gọt, tiết kiệm thời gian. Mình cũng muốn nhờ cô nhưng lại ngại đông người  phải chờ lâu. Đang bận tíu tít nhưng khi ngẩng lên thấy khách quen, cô hàng dứa nhanh nhẩu: " Thôi để nhà cháu gọt cho chị  này trước, chị ấy đang bận con mọn ở nhà!"

Mình phì cười mà không dám cười. "con mọn" của mình năm nay mới có 20 tuổi chứ mấy! Không biết là trông mình ăn mặc lôi thôi giống chị con mọn hay là vì cô hàng dứa ưu tiên khách quen nên nói tránh ra như vậy? 

Vì lý do gì thì cũng được có sao đâu, chỉ là tấm lòng thơm thảo của cô bán hàng thôi mà dọc đường về nhà mình cứ tủm tỉm cười mãi.

Cuối buổi chợ, nhìn các bà các chị giở tiền ra đếm, vuốt lại phẳng phiu từng tờ tiền lẻ 500, 1000đ, ánh mắt lấp lánh trên gương mặt lam lũ, với mình đó là những hình ảnh thật đẹp, phải không các bạn?

14 nhận xét:

  1. Hà hà, vụ tiếng Quê này em có kỷ niệm vui.

    Ở Bình Định, vùng cửa biển Đề Gi nổi tiếng có nước mắm ngon. Các bà các chị ở Đề Gi mỗi lần đi chợ sớm hay ngồi kể chuyện nước mắm nơi này nơi nọ rồi chép miệng: Nói thiệt, chẳng có nước mắm nơi đâu ngon bằng nước mắm... cửa mình.

    Chô cha, ý mấy bà mấy chị đó nói là nước mắm ở cửa Đề Gi nhà mình nhưng lại nói gọn thành nước mắm cửa mình chị ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Nói thêm, nước mắm ở Đề Gì vàng sóng sánh như mật ong, chấm miếng thịt ba chỉ xắt mỏng vào là miếng thịt tự cong lên. Loại mắm này, ko cần gia vị, chỉ cần dầm vài trái ớt cay là tuyệt cú mèo.

    :D

    Trả lờiXóa
  3. cool hay mua rau củ của một chị bán ven đường chứ không vào chợ, cũng vì những đặc điểm y như chị nêu trên. Riết rồi quen, mua chỗ khác không ưng ý chị ạ.

    Trả lờiXóa
  4. Có chưa thì có đẻ thôi
    Con mọn thì nhận sao đỏiảnh rang

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  6. Ngày trước , em đọc một đoạn văn của Nam Cao, viết về những người"nhà quê" ấy , luôn để lại một cảm giác ngậm ngùi :"Hai bên đường lần lượt hiện ra những ruộng đồng, những làng mạc đứng xo ro.Những người nhà quê ngàn đời nay đánh vật nhau với đất.
    Đời của họ là một cuộc đời ...tù đầy
    .Họ giống như những con Trâu.Lặng lẽ kéo cày, ăn cỏ và ...chịu roi."
    Bây giờ cuộc sống không đến mức như xa xưa , nhưng cuộc sống của nông dân vẫn còn bị thiệt thòi nhiều.Họ là tầng lớp hi sinh nhiều nhất trong chiến tranh và đang dễ bị tổn thương nhất trong cuộc cạnh tranh...không công bằng này.
    Vâng, Đồng ý với chị là hình ảnh này là đẹp nhất :"Cuối buổi chợ, nhìn các bà các chị giở tiền ra đếm, vuốt lại phẳng phiu từng tờ tiền lẻ 500, 1000đ, ánh mắt lấp lánh trên gương mặt lam lũ, với mình đó là những hình ảnh thật đẹp, phải không các bạn?"

    Trả lờiXóa
  7. Blog của chị trình bày trang nhã thật.

    Trả lờiXóa
  8. Một dạo đi công tác Hà Nội bà xã dặn mua cho em ít cải về muối dưa. Bu vào chợ hàng Da mua luôn mấy xe thồ cải nhét đầy một xe con. Về nhà cả ba mẹ con sắp cải ra đầy một góc sân. Bà xã phải cho bớt người xóm. Từ đấy Bu đi công tác đâu bà xã không hề nhờ mua gì nữa. hihihi

    Trả lờiXóa
  9. Tớ mà đi chợ thì được đứng góc đường đợi, còn đi siêu thị nhiệm vụ vinh quang là đẩy xe. Chỉ thấy một TT mặc... đầm ngồi cafe chim thôi, chưa từng thấy... mẹ mướp có con mọn TT. hehe.

    Trả lờiXóa
  10. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  11. @Giáp: Nghe em tả nước mắm mà chưa nếm đã thấy ngon rồi, còn vụ tiếng Quê thì không vì thế mà giảm đi vị ngon của nước mắm tý nào
    @Cool:mua mãi rồi thành quen vì ngoài mua bán đơn thuần còn có tình thân với nhau nữa em nhỉ.
    @AT:Có thì nhận, tiếc là không có mới phiền chứ!
    @TORO: nhà cháu quê mùa không biết dị bản dị biếc chi mô đâu nhà báo ạ!
    @Thaominhhue:Xưa cũng thế và nay vẫn vậy, người nông dân vẫn luôn phải chịu thiệt thòi em nhỉ. Chị rất quý trọng những người như họ, càng tiếp xúc nhiều càng thấy thoải mái và dễ chịu!

    Trả lờiXóa
  12. @Bác Bu: Một cách trốn việc rất thông minh mà bác gái không kêu ca vào đâu được, chịu bác Bu đấy
    @Bác thấy TORO đáo để hay là đanh đá. Trêu người hiền lành tử tế cũng là một cái tội phải không ạ?
    @Bác Hiệp: Vì là bác chưa thấy đó thôi, chứ cô bán hàng đã nói là không sai rồi, hìhì!

    Trả lờiXóa
  13. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  14. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa

Bước chân ai vừa ngang qua..

Flag Counter